Thứ Năm, 28/11/2024 02:38 SA
Khôn khéo hội nhập để phát triển nhanh và bền vững
Thứ Bảy, 01/01/2011 14:00 CH

Năm 2010, kinh tế nước ta có bước phục hồi và tăng trưởng ở mức khá cao dù gặp nhiều khó khăn do hậu suy thoái kinh tế toàn cầu và thiên tai nặng nề. Đóng góp vào kết quả này có kinh tế hội nhập làm tăng khối lượng, giá trị hàng hóa và mở rộng thị trường quốc tế. Năm 2011 là năm mở đầu thực hiện Chiến lược kinh tế xã hội 2011-2020 và nghị quyết Đại hội XI của Đảng, hội nhập kinh tế cần có những chuyển biến tích cực và hiệu quả hơn.

 

Cac-nha-dau-tu110101.jpg
Các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu một dự án đầu tư tại Phú Yên  - Ảnh: M.NGUYỆT

 

Nhìn lại năm 2010 và mấy năm qua sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới thì giữa năm 2008 nền kinh tế nước ta phải chịu tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam vì thế cũng phải có những thích ứng mới để gắn kết thị trường trong nước với thị trường quốc tế, từng bước cơ cấu lại nền kinh tế để có thể kết hợp thật hài hòa giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Quá trình này chúng ta từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, tạo ra những điều kiện, chính sách linh hoạt để thúc đẩy hội nhập kinh tế hiệu quả hơn.

 

Qua thực tế kể từ khi Việt Nam tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN và ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA) và các hiệp định đa phương với các tổ chức khu vực ASEM, APEC, GMS, gia nhập WTO, chúng ta nhận thức ngày càng rõ hơn, hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình gắn kết nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu. Sự gắn kết này thể hiện ở mức lưu chuyển hàng hóa và các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất, từ nhân lực, khoa học công nghệ đến phương tiện sản xuất, tiêu dùng. Nền kinh tế Việt Nam khi hội nhập trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu. Điều đó cũng có nghĩa là cùng với mở cửa thị trường nội địa thì đồng thời phải xâm nhập sâu rộng thị trường thế giới. Nói một cách hình ảnh, khi chưa mở cửa thị trường thì ta “một mình một chợ”, còn khi hội nhập thì ta đi vào “chợ quốc tế”. Nếu biết phát huy các lợi thế so sánh thì hàng hóa của ta bán ra có lãi, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Có thể coi đó là hội nhập khôn khéo, biết tận dụng thời cơ để vượt qua những rào cản.

 

Tham gia WTO chúng ta có điều kiện hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới để phát triển. Muốn hội nhập hiệu quả thì cần “phát huy vai trò chủ thể và tính năng động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế” và phải nắm vững “luật chơi”. Bởi vì tham gia WTO thuận lợi và khó khăn luôn đồng hành, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau, do đó cần xác định một thái độ đúng, không lạc quan quá mức vào WTO thì sẽ nhanh giàu cũng như không bi quan, lo lắng quá, sợ thua ngay ở sân nhà. WTO là một “sân chơi” bình đẳng, mọi thành viên đều bình đẳng về “luật chơi”, tùy từng đối tác mà có “cách chơi” phù hợp. Sự khôn ngoan là ở chỗ tìm ra “cách chơi chung” cũng như “cách chơi riêng” với các đối tác để các bên đều có lợi.

 

Yêu cầu mới đối với hội nhập kinh tế quốc tế là phải thay đổi những cơ chế, chính sách có tính đối phó, chắp vá bằng một chiến lược mới với những chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế mới của nước ta và sự phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Một số chính sách hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế của đất nước và các nguyên tắc, quy định của các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới nhưng ta đã không điều chỉnh kịp thời gây cản trở, khó khăn, lúng túng cho các giới doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chưa kể đến có những chính sách ban hành nhưng các quy định lại không chi tiết tạo ra sơ hở hoặc việc thực hiện tùy tiện, không thống nhất (chính sách đất đai, chính sách giá, chính sách xuất khẩu lao động…). Đổi mới chiến lược và xây dựng những chính sách mới về hội nhập kinh tế một cách đồng bộ và toàn diện phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phù hợp nguyên tắc, quy chế của các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế tạo điều kiện thuận lợi để hội nhập kinh tế hiệu quả là yêu cầu bức thiết hiện nay.

 

Tham gia toàn cầu hóa, tiến hành hội nhập, chúng ta phải chấp nhận hệ thống luật pháp, các định chế của các tổ chức kinh tế thế giới và các quốc gia mà ta ký hiệp định thương mại song phương. Đó chính là những luật chơi chung được thể hiện trong những điều ước quốc tế rất phức tạp. Đây cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam vì nước ta đang thực hiện chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế thế giới và khu vực phải từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp; điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới những chính sách kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế của nhà nước (đối với lĩnh vực hội nhập) để phù hợp với hệ thống luật pháp, các định chế của các tổ chức quốc tế, các quốc gia ta ký hiệp định thương mại song phương; tạo môi trường pháp lý vững chắc, thông thoáng, thuận lợi cho các đơn vị, ngành kinh tế tham gia hội nhập; đồng thời bảo đảm giữ vững định hướng phát triển của đất nước, giữ gìn và phát huy, nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong hội nhập.

 

Quản lý nhà nước đối với kinh tế hội nhập hiện nay đòi hỏi sự vận hành trôi chảy của bộ máy hành chính để tạo ra những thuận lợi về thời gian và các thủ tục được làm nhanh, đủ cho hàng hóa lưu chuyển trên thị trường. Rào cản tạo ra ách tắc trên vấn đề này chính là những khiếm khuyết của bộ máy và con người thực thi nhiệm vụ. Quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, vụ lợi, kém ý thức kỷ luật, yếu về năng lực, kiến thức của hệ thống hành chính từ Trung ương đến địa phương là những cản trở rất lớn đối với tiến trình hội nhập kinh tế của nước ta với khu vực và thế giới. Do đó, đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực kinh tế hội nhập phải đặt ra thường xuyên và làm thường xuyên, không chỉ phải có quyết tâm mà điều quan trọng là xây dựng bộ máy cơ chế vận hành, đội ngũ cán bộ, công chức. Trong lĩnh vực quản lý kinh tế hội nhập cần quy định rõ ràng, minh bạch các thủ tục hành chính. Đặc biệt là trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý, trách nhiệm cá nhân của cán bộ công chức ở mọi cấp, mọi ngành, mọi khâu. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi cho kinh tế hội nhập. Cùng với việc xây dựng hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, nhất quán, phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế, hệ thống hành chính vận hành trôi chảy, suôn sẻ thì cần xây dựng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức thành thạo công việc, tinh thông nghề nghiệp, tận tụy và trong sạch.

 

dautu110101.jpg

Doanh nhân nước ngoài tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào Phú Yên vừa tổ chức cuối năm 2010 tại TP Tuy Hòa. - Ảnh: K.DUY

 

Một đặc điểm lớn nữa trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay là sự lưu chuyển các yếu tố sản xuất rất không đồng đều trên toàn thế giới và có xu hướng ngày càng gia tăng.

 

Chủ động hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, một mặt nước ta mở cửa thị trường để thu hút vốn, kỹ thuật, kỹ năng quản lý từ bên ngoài; kết hợp với sức mạnh kinh tế nội địa để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hiệu quả; mặt khó chúng ta cũng phải xuất khẩu “toàn diện” từ hàng hóa đến các yếu tố của sản xuất, gắn kết chặt chẽ nền kinh tế nội địa với nền kinh tế thế giới khu vực và tham gia vào sự phân công lao động quốc tế, gia nhập các tổ chức kinh tế đa phương. Điều này có ý nghĩa rất lớn khi chúng ta xác định phát triển ngoại thương như một khâu đột phá ra thị trường quốc tế, đồng thời coi trọng thị trường nội địa để kết hợp hài hòa giữa xuất khẩu và nhập khẩu, coi trọng xuất khẩu và tiến đến thay thế dần nhập khẩu.

 

Hiệu quả của hội nhập kinh tế là chi phí thấp mà đạt được kết quả cao. Hiệu quả quan trọng của kinh tế hội nhập phải góp phần vào tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Chúng ta cần có các quyết sách mới để làm sao phát huy cao độ nội lực, đồng thời kết hợp sử dụng hiệu quả ngoại lực. Nghĩa là nâng cao hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực, các nguồn vốn, phát huy những tiềm năng, lợi thế của nền kinh tế, sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, đặc biệt là có chính sách phát triển dựa vào nguồn lực con người thì sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh lâu dài cho nền kinh tế và phát triển bền vững.

 

Chỉ có nâng cao hiệu quả nền kinh tế mới tăng cường năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực hội nhập. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế khi thực hiện hội nhập và mở cửa trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa kinh tế thể hiện ở từng mặt hàng, các loại dịch vụ, mỗi doanh nghiệp và tổng thể quốc gia. Cần có những biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt những yếu kém của các doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan quản lý trong quá trình hội nhập làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như mẫu mã hàng hóa đơn điệu, gian lận thương mại, chất lượng sản phẩm hàng hóa không đảm bảo chuẩn vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng, chất lượng lao động thấp, nhũng nhiễu, tham nhũng, chi phí đầu tư quá cao và rủi ro. Đây là một thực tế khách quan trong những năm mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế thế giới vừa qua. Cần thấy rằng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế quốc gia là nhân tố quyết định nhất cho hội nhập kinh tế hiệu quả. Và, hội nhập kinh tế hiệu quả là nhân tố đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh và bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay.

 

PHẠM VĂN KHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Dự báo lạc quan cho năm 2011
Chủ Nhật, 02/01/2011 18:00 CH
Nông nghiệp bội thu
Chủ Nhật, 02/01/2011 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek