Năm 2010, sản xuất lúa của tỉnh Phú Yên gặp thời tiết bất lợi, tuy nhiên nhờ ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất mà 2 vụ lúa chính của tỉnh đều đạt cao hơn năm trước. Không những thế, sản lượng lương thực còn đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Mô hình sản xuất giống lúa nông hộ tại huyện Phú Hòa cho hiệu quả khá cao. – Ảnh: H.NAM
2 VỤ LÚA CHÍNH THẮNG LỢI
Năm 2010, sản xuất nông nghiệp của Phú Yên vấp phải nhiều khó khăn: vụ đông xuân chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 11 và lũ lụt cuối năm 2009 đã làm cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh, tại các huyện Đồng Xuân, Tuy An và TX Sông Cầu có trên 200ha ruộng sản xuất lúa không thể đưa vào sản xuất vụ đông xuân. Sau lũ, nông dân đã tích cực việc san lấp, cải tạo đồng ruộng đưa vào sản xuất, riêng một số diện tích bị bồi lấp nặng chuyển sang trồng cây rau màu. Sau khi gieo sạ, lúa đông xuân gặp mưa trái mùa kéo dài, toàn tỉnh 4.600ha bị ngập úng, trong đó diện tích phải gieo sạ lại trên 635ha.
Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh cũng như Sở NN-PTNT tăng cường công tác chỉ đạo, đồng thời còn hỗ trợ giống cây trồng cho nhân dân khôi phục sản xuất. Vì vậy diện tích gieo trồng vụ lúa đông xuân được 26.032ha, tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước. Trên các cánh đồng, nông dân đưa vào sử dụng giống lúa mới, giống lúa lai đã khảo nghiệm tăng cường khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vì thế năng suất thu hoạch bình quân toàn tỉnh đạt 67,04 tạ/ha; tăng 3,8 tạ/ha; sản lượng đạt 175.140 tấn; tăng 11.762 tấn so với vụ đông xuân năm trước. Huyện Phú Hòa dẫn đầu về năng suất với 78,6 tạ/ha. Ông Lương Công Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết ngay từ đầu vụ, công tác chỉ đạo sản xuất tập trung hướng dẫn nông dân điều chỉnh cơ cấu cây trồng, thời vụ phù hợp với diễn biến của thời tiết và né tránh sâu bệnh, tăng cường sử dụng giống mới, nhờ vậy tăng năng suất cao.
Vào vụ hè thu, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp gây hạn hán đầu vụ, các vùng cuối hệ thống thủy lợi đã bị thiếu nước cục bộ, Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam phải vận hành trạm bơm để tiếp nước cho một số vùng nằm cuối kênh. Mặc dù vụ này giảm 122ha và do ảnh hưởng mưa lớn đầu vụ gây ngập úng làm mất trắng 32ha ở vùng trũng, tuy nhiên năng suất bình quân đạt 64,5 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha; sản lượng đạt 153.695 tấn, tăng 1.984 tấn so với vụ hè thu năm 2009. Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, sản lượng lúa cả năm đạt 359.000 tấn, vượt 12,4% kế hoạch, tăng 5,2% so với năm 2009. Đây cũng là năm Phú Yên đạt sản lượng lúa cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, trong năm 2010, giá cả các hàng nông sản trên địa bàn tỉnh đều tăng cao hơn cùng kỳ năm trước từ 500-1.500 đồng/kg, đặc biệt là lúa đạt 5.800-6.200 đồng/kg, đã tăng lợi nhuận cho nông dân, góp phần giải quyết những khó khăn.
CHÚ TRỌNG KHẢO NGHIỆM GIỐNG LÚA MỚI
Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm qua, năm 2011, ngành NN-PTNT Phú Yên đề ra kế hoạch đưa vào sản xuất 56.500ha lúa, phấn đấu đạt năng suất bình quân cả năm gần 58,7 tạ/ha. Sản lượng lương thực có hạt phấn đấu đạt khoảng 35 vạn tấn, trong đó có 33 vạn tấn thóc.
Để đạt được mục tiêu này, ngành NN-PTNT tiếp tục đầu tư phát triển thủy lợi đảm bảo tưới tiêu, chủ động phục vụ thâm canh và mở rộng diện tích sử dụng đất lúa; tăng cường công tác khuyến nông hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ sản xuất mới và giống kỹ thuật, tăng cường hệ thống bảo vệ thực vật; đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch.
Vụ lúa đông xuân và hè thu năm 2011, xác định giống lúa quyết định năng suất cây lúa, vì thế Sở NN-PTNT khuyến khích các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến cần tập trung sản xuất giống lúa để cung ứng nhu cầu giống của tỉnh. Đồng thời yêu cầu các địa phương vận dụng tối đa cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đẩy mạnh sản xuất lúa giống nông hộ đủ để trao đổi trong địa phương phục vụ sản xuất; khuyến khích các hợp tác xã, câu lạc bộ… sản xuất lúa giống cấp xác nhận, xây dựng thương hiệu, liên kết để cung ứng vật tư cho nông dân. Do vậy, để đạt hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, các địa phương cần nhân rộng các mô hình trên. Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho rằng: “Nông dân trồng lúa Phú Yên đã đến lúc cần thay đổi mạnh mẽ việc sử dụng giống lúa. Vì vậy, các thành phần kinh tế cần đầu tư vào ngành giống để thúc đẩy công tác giống tại địa phương là nhân tố quyết định đến năng suất”.
Thời gian qua, các huyện Phú Hòa, Tây Hòa và TP Tuy Hòa đã triển khai các chương trình, dự án đưa tiến bộ khoa học vào đồng ruộng, như chương trình 3 giảm, 3 tăng; bốn nhà cùng ra đồng; sản xuất giống nông hộ; chương trình Bucap và mới đây nhất là chương trình 1 phải 5 giảm do Bộ NN-PTNT triển khai đã góp phần đáng kể trong việc tăng năng suất, sản lượng lúa.
MẠNH HOÀI