Với tốc độ tăng GDP đạt 12,5%, năm 2010 kinh tế Phú Yên có sự tăng trưởng khá so với 3 năm trở lại đây. Điều này cho thấy kinh kế của tỉnh đã vượt qua ảnh hưởng của tác động suy thoái kinh tế và đang lấy lại đà tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, thách thức vì sự tăng trưởng chưa thật sự bền vững.
Các doanh nghiệp sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh khi kinh tế thế giới phục hồi. – Ảnh: N.TRƯỜNG
DẤU HIỆU PHỤC HỒI
Bất chấp những khó khăn do vẫn còn chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu và hậu quả nặng nề của bão lũ cuối năm 2009 chưa khắc phục xong, lại thêm lũ lụt năm 2010, thêm vào đó thiếu điện cho sản xuất và những biến động của giá cả thị trường… song với kết quả tăng trưởng GDP của Phú Yên năm 2010 vẫn đạt 12,5% cho thấy kinh tế cua tinh đã có sự phục hồi. Còn nhớ, trước thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, năm 2007, GDP của Phú Yên tăng 13,3%. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng lan rộng, quét qua Việt
Năm 2010, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hậu khủng hoảng vẫn còn vật lộn với bao khó khăn thì kinh tế nước ta đã sớm thoát ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá cao nên đã tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Phú Yên. Các chỉ số kinh tế của Phú Yên đã được cải thiện đáng kể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 118 triệu USD, tăng 12% so với năm 2009 (năm 2009 chỉ đạt 92 triệu USD, giảm 5,7% so năm 2008); nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ, kim ngạch nhập khẩu cả năm đạt 55,6 triệu USD, giảm 4,3% và chỉ bằng 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu giúp giảm tỉ lệ nhập siêu; thu ngân sách địa phương vượt dự toán và tăng 10,9% so với năm 2009.
Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế có mức tăng ấn tượng với 8,7% (kế hoạch là 3,9%, năm 2009 chỉ tăng 5,7%). Bên cạnh sản xuất lương thực được mùa với sản lượng đạt 359.800 tấn, cao nhất từ trước đến nay; các cây công nghiệp chủ lực của tỉnh như sắn, mía, cao su, hồ tiêu, cà phê đều “được mùa, được giá” nên giá trị ngành trồng trọt tăng 8,4%. Kinh tế thủy sản cũng là năm gặt hái thành công với mức tăng 12,8%, nhất là nghề khai thác với sản lượng đánh bắt 42.265 tấn vượt 24,3% kế hoạch, trong đó cá ngừ đại dương đạt 5.000 tấn là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, hơn nữa giá cá ngừ luôn ở mức cao nên hầu hết các chuyến biển ngư dân đều có lãi.
Dịch vụ cũng là khu vực có sự tăng trưởng khá. Nếu năm 2009, mức tăng của ngành này là 11,6% thì năm 2010 tăng 13,3%, đặc biệt dịch vụ vận tải và du lịch có nhiều khởi sắc. Phú Yên có thêm 21 cơ sở lưu trú được đưa vào khai thác, trong đó có khách sạn Sài Gòn - Phú Yên tiêu chuẩn 4 sao. Như vậy, hiện nay Phú Yên có 88 cơ sở lưu trú với 3.058 giường, trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, với trên 800 phòng đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế. Ngành Du lịch tỉnh đã đón tiếp hơn 312.500 lượt khách, tăng 1,3 lần, trong đó có 12.000 khách quốc tế, tăng 20% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch của tỉnh trong năm đạt 249,5 tỉ đồng, tăng 1,7 lần so năm trước.
VẪN CÒN KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC
Sự phục hồi và tăng trưởng cao trở lại của nền kinh tế nước ta nói chung, Phú Yên nói riêng mang lại niềm lạc quan, phấn khởi nhưng chưa thể tạo ra sự yên tâm về tính vững chắc. Trước hết phải kể đến nỗi ám ảnh lạm phát, sự biến động khó lường của tỉ giá cũng như những vấn đề nan giải về lãi suất. Tại Phú Yên chỉ số giá tiêu dùng tăng khá cao ở mức 11,5%. Giá cả tăng cao gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết do biến động của giá thế giới. Bên cạnh đó, sự phục hồi của kinh tế trong nước cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu và kéo giá hàng hóa tăng lên. Cuối năm cũng là thời điểm lượng tiền lưu thông tăng cao xuất phát từ nhu cầu mua sắm, rồi tạm ứng cho các dự án xây dựng đẩy nhanh tiến độ... Ngoài ra, sự biến động về tỉ giá USD và giá vàng cũng là những yếu tố gây sức ép lên lạm phát.
Sự tăng trưởng kinh tế luôn gắn liền với đầu tư xã hội. Thế nhưng trong năm 2010, huy động vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 67,6% kế hoạch và bằng 87,8% so năm 2009. Đã vậy, lại hầu hết các công trình, dự án đều chậm tiến độ, giải ngân chậm, nhất là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nên chưa thể đưa vào khai thác góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản nhiều năm qua chậm khắc phục, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế.
Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chững lại, trong năm chỉ thực hiện được 569,9 tỉ đồng, bằng 24,8% so năm 2009, thêm vào đó nhiều dự án đầu tư chậm triển khai thực hiện đã bị UBND tỉnh thu hồi. Do vậy trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nơi sử dụng nhiều vốn FDI cũng bị ảnh hưởng nên giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chỉ tăng 15,4% (năm 2009 chỉ tăng 13,1%). Đây cũng là mức tăng trưởng thấp so với nhiều năm trước đó (năm 2007 tăng 20,5%, năm 2008 tăng 21,6%). Sản xuất nông nghiệp vẫn thường xuyên đối mặt với tình hình bệnh dịch của nhiều vật nuôi, kể cả thủy sản gây thiệt hại nặng cho nông dân nhưng chưa có giải pháp đồng bộ về quy hoạch, môi trường, con giống.
Trong khi đó, quản lý nhà nước về một số lĩnh vực còn yếu; cải cách hành chính chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, thể hiện qua chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Phú Yên vào loại thấp; công tác dự báo, thu thập, phân tích thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của tỉnh cho đầy đủ, kịp thời, nhất là những thông tin về doanh nghiệp, những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh...
TRIỂN VỌNG NĂM 2011
Năm 2011 là năm đầu tiên và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo đà để thực hiện tốt các mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đến năm 2020. Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô với mức tăng trưởng cao hơn năm 2010; công tác điều hành sẽ tập trung vào ba vấn đề chính là cải thiện cán cân thanh toán, kiểm soát lạm phát và phấn đấu giảm bội chi.
Đối với Phú Yên, năm 2011 còn có ý nghĩa đánh dấu 400 năm hình thành và phát triển, được Chính phủ cho phép đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ nên kỳ vọng lĩnh vực dịch vụ du lịch sẽ có sự đột phá trong năm 2011. Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sẽ không bỏ lỡ cơ hội này, nên dự báo họ sẽ vào cuộc mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn để quảng bá những công trình mới, sản phẩm mới sẽ làm cho bức tranh kinh tế của tỉnh thêm sôi động. Thêm vào đó, những tín hiệu phục hồi của năm 2010 cho phép chúng ta tin tưởng kinh tế Phú Yên sẽ chuyển động tích cực hơn theo đà tăng trưởng của đất nước. Đó cũng là cơ sở để HĐND tỉnh khóa V, kỳ họp thứ 19 vừa qua thông qua đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2011 là 12,5-13%, trong đó nông - lâm - thủy sản tăng 3,5-4%, công nghiệp - xây dựng tăng 16,5-17%, dịch vụ tăng 13,3-13,5%.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự cho rằng: Những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho năm 2011 là hết sức nặng nề, trong khi khó khăn, thách thức còn nhiều. Do vậy, bên cạnh tiếp tục tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả bão lụt năm 2010, chuẩn bị công tác phòng tránh thiên tai năm 2011, trong chỉ đạo, điều hành kế hoạch năm 2011, UBND tỉnh tập trung khắc phục những tồn tại, yếu kém nhằm cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, động viên các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng với hình thức phù hợp…
Trong thời điểm các dự án FDI có quy mô lớn chuẩn bị triển khai đầu tư nên trước mắt chưa thể kỳ vọng có sự đột phá cho nền kinh tế, nhưng với kết quả đạt được của năm 2010 cùng với những tín hiệu vui của nền kinh tế đất nước đang trên đà hồi phục và tăng trưởng cao trở lại và đặc biệt nhận rõ tồn tại, hạn chế, có biện pháp khắc phục trong chỉ đạo điều hành của tỉnh cho phép chúng ta tin tưởng kinh tế Phú Yên năm 2011 sẽ khởi sắc, đạt mục tiêu đề ra, tạo đà tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
NGUYÊN TRƯỜNG