Mục tiêu của Công ty Điện lực Phú Yên trong năm 2010 là tiếp nhận lưới điện 100% xã, phường, thị trấn, trực tiếp bán lẻ cho tất cả các hộ dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 19 xã chưa xong thủ tục bàn giao, trong đó có một số HTX vẫn muốn “ôm” để kinh doanh.
Ngành Điện cải tạo lưới điện nông thôn sau khi tiếp nhận bàn giao - Ảnh: T. QUỚI |
Trước đây, hầu hết các huyện đều giao cho các HTX quản lý và kinh doanh điện năng ở khu vực nông thôn. Phần lớn, các HTX còn hạn chế về năng lực tài chính, quản lý kỹ thuật, hạch toán kinh tế, nhân sự. Vì vậy, công tác quản lý điện còn nhiều bất cập. Do không chủ động nguồn vốn đầu tư, hệ thống lưới điện ở nông thôn xây dựng chắp vá, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; bán kính cấp điện lớn, tiết diện dây dẫn nhỏ và nhiều chủng loại, trong quá trình vận hành không được đầu tư sửa chữa nên hệ thống lưới điện ngày càng xuống cấp, tổn thất điện năng có nơi lên tới 25-30%... Những bất cập này làm cho giá điện tới hộ dân nông thôn cao hơn ở thành thị, chất lượng điện lại không đảm bảo.
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương và các ngành chức năng khảo sát tình hình xây dựng quy chế quản lý lưới điện nông thôn; giao cho ngành điện tiến hành tiếp nhận, cải tạo, nâng cấp, quản lý và bán điện trực tiếp đến hộ dân ở vùng nông thôn. UBND tỉnh Phú Yên cũng đã yêu cầu Sở Công Thương, Công ty Điện lực Phú Yên và các bên liên quan tiến hành bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý, đồng thời kiểm tra rà soát năng lực, điều kiện kinh doanh của các HTX kinh doanh điện đúng quy định.
Tuy đã cố gắng, nhưng việc bàn giao lưới điện nông thôn đến nay vẫn chậm. Nguyên nhân do một số HTX kinh doanh điện bị mất nguồn thu (hưởng chênh lệch giá: mua sỉ 432 đồng/kWh, bán lẻ 600 đồng/kWh); nhiều HTX yêu cầu ngành điện phải kiểm kê tài sản hoàn trả vốn, tiếp nhận lao động… Nguyên nhân thứ hai ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao là nhiều xã còn dang dở dự án Năng lượng nông thôn II (REII), nên chưa thể một lúc tiếp nhận ngay.
Để giải quyết khó khăn này, mới đây Sở Công Thương, Công ty Điện lực và các HTX đã họp bàn thống nhất phương án bàn giao, trách nhiệm và quyền lợi các bên liên quan. Theo đó, phương án bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý mang lại quyền lợi hài hòa giữa các bên. Khách hàng (các hộ dân) được hưởng những quyền lợi chính đáng như được hưởng giá điện bậc thang, chất lượng điện năng ổn định. Ngay khi tiếp nhận, ngành điện sẽ tiến hành ngay việc sửa chữa toàn bộ lưới điện hạ áp, thay thế các công tơ bị xuống cấp, đảm bảo vận hành an toàn. Các hộ dân không phải đóng tiền điện cho việc sửa chữa lưới điện, không phải gánh chịu những phát sinh do thất thoát điện năng, được sử dụng hệ thống lưới điện an toàn, chất lượng cao, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt và đầu tư mở rộng sản xuất kinh tế gia đình. Ông Lê Hữu Tài, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên cho biết: “Ước tính kinh phí cải tạo lưới điện (các xã ngoài dự án REII) mỗi xã từ 3-5 tỉ đồng. Đối với các xã trong dự án REII, ngành điện phải gánh số nợ vay ngân hàng để thực hiện dự án”. Món lợi mang lại cho ngành điện khi nhận bàn giao là tăng nguồn thu nhờ bán lẻ trực tiếp đến hộ dân chứ không bán buôn cho các HTX.
Đối với vướng mắc số lao động định biên của HTX, ngành điện sẽ giải quyết ký lại hợp đồng công việc dịch vụ bán lẻ điện như ghi số công tơ, thu tiền... Ngoài ra, ngành điện ưu tiên tuyển dụng thêm lao động của HTX đáp ứng đủ điều kiện.
Đến nay, Công ty Điện lực Phú Yên đã tiếp nhận bán lẻ đến 93/112 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (riêng năm 2010 tiếp nhận 14 xã). Hiện còn 19 xã chưa bàn giao, trong đó đa số các HTX đã thống nhất phương án bàn giao chỉ chờ làm các thủ tục, một số ít HTX muốn giữ lại tiếp tục kinh doanh. Đối với những trường hợp này, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Tài chính kiểm tra các điều kiện kinh doanh điện, năng lực tài chính (để cải tạo lưới điện và trả nợ vay cho Ngân hàng thế giới trong dự án REII). Nếu các HTX không đủ điều kiện và năng lực, sẽ kiên quyết rút giấy phép, bàn giao cho ngành điện.
TRẦN QUỚI