Thời gian trước, tình trạng quấy rối ĐTDĐ đã giảm đáng kể thì nay nó lại bùng phát dữ dội hơn. Khi bị quấy rối ĐTDĐ, nhiều khách hàng chọn biện pháp im lặng hay cách thức riêng nào đấy để giải quyết thay vì báo ngay cho tổng đài biết để xử lý, dẫn đến sự việc âm ỉ kéo dài… Để “lấy điểm” với khách hàng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông (gọi tắt là nhà mạng) không khó đưa ra giải pháp tốt. Tuy nhiên, các nhà mạng hiện vẫn chưa hề thực hiện điều này.
Tư vấn điện thoại di động cho khách tại một cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) - Ảnh: XUÂN HUY
Trước đây, phần đông người sử dụng ĐTDĐ đều trang bị cho mình nhiều sim “ảo” để luân phiên sử dụng. Bên cạnh những người có lý do sử dụng để tiện việc thông tin liên lạc, quan hệ làm ăn… thì không ít kẻ lợi dụng điều này để quấy rối người khác, gây khủng hoảng tinh thần thậm chí là thiệt hại về vật chất cho các nạn nhân mà không sợ bị phát hiện, truy tố. Chính vì vậy, quấy rối qua điện thoại đã từng là biện pháp mà nhiều đối tượng rất hay lựa chọn để tấn công những ai có mâu thuẫn, va chạm với họ. Khi có quy định của Bộ Thông tin Truyền thông bắt buộc người sử dụng ĐTDD phải đăng ký thuê bao trả trước, yêu cầu người chủ thuê bao công khai danh tính, ngày sinh, số CMND… Nhiều người cho rằng đây là giải pháp tốt để chấm dứt cách hành xử “thiếu văn hóa” trong việc sử dụng ĐTDĐ. Tuy nhiên, hiện các chủ thuê bao vẫn là đối tượng dễ bị sự quấy rối không chỉ từ các thuê bao khác mà còn từ phía các nhà mạng.
Cách đây mấy hôm, tôi có cho em gái chiếc sim mới của một nhà mạng mới thành lập. Khi thủ tục đăng ký hoàn thành, sim được kích hoạt thì trong máy đầy nghẹt tin nhắn rác. Không chỉ vậy, mặc dù không yêu cầu nhưng nhà mạng vẫn tự tiện cài dịch vụ tiện ích với giá 10.000 đồng/tháng. Dù sau đó chủ thuê bao có bấm hủy dịch vụ nhưng nhà mạng vẫn không chấm dứt ngay mà yêu cầu phải dùng thử cho hết tháng. Đây là cách làm hết sức tắc trách của nhà mạng. Nhiều người cho biết, hàng ngày họ vẫn nhận được hàng chục tin nhắn vô thưởng vô phạt, quảng cáo, lừa đảo… và đã có phản ánh với nhà mạng nhưng vẫn không có kết quả.
Quấy rối bằng điện thoại là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến cuộc sống bình thường của con người, hoặc nặng hơn nữa là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Tùy theo nội dung, tính chất nghiêm trọng của hành vi, kẻ quấy rối (chủ thuê bao điện thoại quấy rối) có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Hiện trên toàn tỉnh có 6 nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông. Do chú trọng phát triển số lượng thuê bao nên nhiều nhà mạng chỉ tập trung vào các chiêu thức giảm giá, khuyến mãi rầm rộ mà quên đi trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng để giúp họ tránh khỏi những phiền phức không đáng có. Một số nhà mạng chỉ khuyên khách hàng tắt máy hoặc sử dụng thêm dịch vụ chặn cuộc gọi mà không phải là một biện pháp trách nhiệm nào khác. Nếu nhà mạng chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm chỉ một hoặc vài vụ quấy rối điện thoại, chắc chắn thương hiệu và uy tín của nhà mạng đối với khách hàng sẽ được nâng cao.
TRƯỜNG PHÚ
(Phường 9, TP Tuy Hòa)