Nghề sửa giày, dép thường vắng khách vào mùa nắng nhưng lại khá đông vào mùa mưa...
Sửa giày, dép cho khách tại chợ Trung tâm TP Tuy Hòa – Ảnh: XUÂN HUY
Giày dép thấm nước mưa rất dễ bị mục da, đứt quai. Do vậy, mùa mưa luôn là mùa làm ăn của các thợ sửa. Các tiệm sửa giày, dép trên đường Trần Hưng Đạo, các chợ Tuy Hòa, Tân Hiệp… lúc nào cũng có từ 5 – 7 khách ngồi chờ hàng được sửa. Chị Hồ Thị Thu Ly ở phường 7 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Tôi mới vừa mua đôi sandal Biti’s nên đem ra đây khâu lại để đi cho chắc chắn”. Cũng có không ít khách hàng đem đôi dép bị cũ quai hay giày bị mòn đế ra đây để “tút” lại cho mới. Những thợ sửa giày, dép không chỉ biết khâu, dán, sửa, thay quai… mà họ còn rành rọt các quy trình đóng mới giày, làm mới dép. Thợ sửa phải hiểu ý khách hàng, giao hàng đúng hẹn, làm được thì mới nhận, nếu không thì phải nói rõ để khách đến tiệm khác. Thường mỗi thợ sửa phải chịu khó và yêu nghề. Theo ông Nguyễn Văn Hai, một thợ sửa giày, dép lâu năm ở chợ Tuy Hòa: “Muốn trở thành một người thợ sửa giày, dép giỏi, trước tiên phải kinh qua nghề đóng giày, làm dép. Để có thể gắn bó với nghề này, ngoài việc lành nghề, sáng tạo, người thợ còn phải có uy tín và danh tiếng để phục vụ khách hàng thật tốt”.
Thoạt nhìn, nghề sửa giày dép có vẻ đơn giản, bởi chỉ cần chọn một góc vỉa hè hay công viên, bày một cái bàn con con, vài ba chiếc ghế nhựa, một miếng da, tấm đệm cùng kéo, keo, kìm, vải bố…là có thể hành nghề được. Tuy nhiên, để thành thạo nghề thật sự không dễ dàng chút nào. Đầu tiên, người thợ phải thành thục kỹ năng xe chỉ luồn kim, các cách may kín và hở. Muốn thuần việc, thợ sửa cần luyện tập thường xuyên từ nửa năm đến một năm để đạt mức thẩm mỹ cùng kỹ xảo “thêu hoa dệt gấm”. Riêng kỹ thuật gọt, đóng, may đế, cắt ngắn hay nối dài, độn cao…. bằng tay hay máy tính sơ sơ cũng mất hơn một năm. Trải qua những giai đoạn này, người thợ sửa mới có thể tự tin với nghề.
Giá cho mỗi lần sửa khá rẻ, nếu khâu quai, may cho chắc, giá khoảng 4.000 - 5.000 đồng; sửa giày, dép rộng, hẹp để vừa chân đi cộng với đánh xi, làm mới chỉ khoảng 10.000 - 15.000 đồng. Đối với những đôi dép nhựa bị hỏng của dân lao động nghèo, đôi khi công trả chỉ là một ly trà đá hay một điếu thuốc lá… Với không ít người, sửa giày, dép là công việc mang lại nhiều niềm vui.
HOÀNG XUÂN