Không chỉ người dân ở xã An Định (huyện Tuy An) mà nhiều vùng lân cận hầu như nhà nào cũng chuẩn bị một chiếc xuồng hoặc sõng để làm phương tiện phòng khi lũ lụt xảy ra. Chính vì nhu cầu tăng cao nên nghề làm sõng tôn ở xã An Định có cơ hội phát triển...
Ông Phan Văn Lợi đang làm công đoạn cuối để hoàn tất chiếc sõng - Ảnh: T.HƯƠNG
Nhiều địa phương ở huyện Tuy An có địa hình thấp trũng nên mỗi khi mùa mưa bão đến thường xuyên ngập chìm trong nước lũ và bị chia cắt. Trong trận lũ cuối năm 2009, nhiều xã bị cô lập, thiệt hại nhiều về tài sản và con người, trong đó xã An Định bị thiệt hại khá nặng nề. Xã có 8 thôn, trong đó có 3 thôn Long Hòa, Định Trung 2, Định Trung 3 là những vùng trũng thấp, nguy cơ bị lũ lụt đe dọa nhất.
KHÔNG CHỦ QUAN
Khi xảy ra ngập lụt, nhiều thôn của xã An Định thường bị ngập sâu trong nước lũ và cô lập hoàn toàn, ca nô cứu hộ khó tiếp cận, ứng cứu được. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Phòng chống bão lụt – Tìm kiếm cứu nạn xã An Định, cho biết: Trước đây, người dân vùng này hầu như nhà nào cũng có xuồng hoặc sõng nan để phòng khi lũ lụt. Nhưng từ khi xây dựng hai hồ thủy lợi Phú Xuân (Đồng Xuân) và Đồng Tròn (Tuy An) thì tình hình lũ lụt hạn chế nên bà con chủ quan, ỷ lại. Vì thế, nghề đan sõng nan cũng bị mai một dần. Qua bài học của đợt bão lũ năm 2009, bà con xã An Định và nhiều địa phương lân cận đã có ý thức cao trong việc đối phó với lụt bão. Hiện nay, gần như nhà nào cũng đã mua sắm riêng một chiếc xuồng hoặc sõng để ứng phó trước mùa mưa lũ. Chị Phạm Thị Cảnh ở thôn Định Trung 1, xã An Định nói: “Cơn bão lũ lịch sử cuối năm 2009, gia đình tôi vì quá chủ quan nên khi nước lũ dâng cao đã bị động, mẹ tôi đã phải ra đi mãi mãi. Đó là mất mát quá lớn đối với gia đình tôi và là bài học đắt giá cho sự chủ quan, lơ là trong phòng chống thiên tai, bão lụt. Năm nay, gia đình tôi đã đặt mua một chiếc xuồng 2 triệu đồng để chủ động di dời người và tài sản khi lũ đến”. Còn ông Đặng Văn Năm ở thôn Định Trung 3, cho biết: “Trận bão năm ngoái gia đình tôi may mắn không có người nào bị nạn, tuy nhiên tài sản bị thiệt hại nặng nề. Rút kinh nghiệm năm ngoái, hiện không chỉ gia đình tôi mà hầu hết mọi nhà ở đây đều sắm hẳn một chiếc sõng để chủ động trong việc ứng phó với lũ lụt”.
SÕNG TÔN ĐẮT HÀNG
Từ nhu cầu của người dân, hiện nay trên địa bàn xã An Định đã có 3 cơ sở chuyên đóng mới xuồng, sõng nhưng không phải làm bằng nan tre như trước đây mà thay vào đó là tôn. Chúng tôi đến thăm cơ sở đóng xuồng, sõng của ông Phan Văn Lợi ở thôn Định Trung 3, xã An Định mới thấy không khí làm việc ở đây rất khẩn trương vậy mà không đủ hàng để giao. Cơ sở sản xuất của ông Lợi có gần chục người đang hì hục làm việc để cho ra đời những chiếc xuồng, sõng chắc chắn và tiện lợi. Ông Lợi cho biết, cơ sở của ông không những đóng xuồng, sõng cho người dân địa phương mà bà con và các cơ quan nhà nước ở nhiều địa phương khác cũng đến đặt hàng. Mỗi chiếc xuồng, sõng có giá từ 1- 7 triệu đồng, tùy theo lớn, nhỏ. Hiện tại cơ sở của ông Lợi đang nhận đóng sõng cứu hộ cho UBND các xã An Dân, An Thạch, thị trấn Chí Thạnh… Ông Lợi nói: “Cơ sở của tôi đang hoàn thành 4 chiếc sõng lớn, mỗi chiếc có giá gần 7 triệu đồng cho UBND xã An Thạch để phục vụ công tác cứu hộ trong mùa mưa lũ năm nay. Hiện có quá nhiều đơn đặt hàng cần phải làm gấp để kịp giao cho khách trước mùa mưa bão”. Cũng tại cơ sở đóng sõng của ông Lợi, chúng tôi gặp hai ông Trần Đình Khương và Phạm Hồng Trung ở huyện Đồng Xuân đến đặt đóng mỗi người một chiếc xuồng. Ông Phạm Hồng Trung, cho biết: “Nhà tôi ở thị trấn La Hai, tuy không thuộc vùng trũng nhưng qua đợt lũ vừa rồi nước đã ngập lên gần 2m. Mùa mưa bão đã đến, tôi tranh thủ đặt làm một chiếc xuồng để phòng lũ lụt xảy ra”.
Phó Chủ tịch UBND xã An Định Nguyễn Huy Hoàng, cho biết: “Công tác tuyên truyền phòng chống lụt bão của xã năm nay có nhiều thuận lợi, vì qua đợt lụt bão vừa rồi người dân đã ý thức hơn trong việc chuẩn bị đối phó và đặt ra phương án tự cứu mình trước lụt bão, thiên tai. Hiện nhiều hộ gia đình trong xã đã chủ động mua sắm xuồng, sõng chuẩn bị sẵn trong nhà để ứng phó nếu có sự cố xảy ra. Địa phương sẽ cố gắng khôi phục lại nghề đan sõng, tạo mọi thuận lợi để nghề làm sõng phát triển”.
TUYẾT HƯƠNG