Cả một vùng An Thạch, An Ninh, An Cư, thị trấn Chí Thạnh…(huyện Tuy An) đâu đâu cũng nghe nói đến dịch heo tai xanh và những hệ lụy của nó.
Khử trùng các phương tiện đi qua vùng dịch heo tai xanh thị trấn Chí Thạnh - Ảnh: D.T.XUÂN |
NỖ LỰC DẬP DỊCH
Tối 16/10, ông Dương Minh Ẩn, Trưởng khu phố Long Bình (thị trấn Chí Thạnh) mang bình xịt thuốc đến từng chuồng heo các hộ có dịch để tiêu độc khử trùng, tránh để lây lan ra cộng đồng. Ông bảo: Mặc dù heo đã được chôn kỹ theo quy định của cơ quan thú y, nhưng phải phun thuốc để ngăn chặn lây lan sang các chuồng khác. “Những nhà có heo bị thiệt hại, chủ hộ đang buồn rầu, không nghĩ đến chuyện gì khác, mình phải xăn tay áo lên cùng với họ ngăn ngừa dịch mới hiệu quả” – ông nói.
Trước đó một tuần, khi những hộ nuôi heo ở Long Bình phát hiện tình trạng dịch xuất hiện ở đàn heo, đã báo cáo cơ quan chức năng đến giám sát. Khi hai con heo của hộ đầu tiên lăn ra chết, địa phương đã khẩn trương tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng, cách ly, ngăn chặn dịch. Hai hố vôi bột được đặt ở hai đầu đường vào khu phố Long Bình. Xe máy, xe đạp qua lại đều được xịt thuốc để ngăn ngừa dịch lây lan. Công an thị trấn Chí Thạnh đã cùng một tổ dân quân túc trực ngày đêm ở đó suốt một tuần nay để thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch.
LAO ĐAO VÌ HEO TAI XANH
Mặc dù, heo bị phát hiện bệnh tai xanh đã được tiêu hủy, người nuôi được nhận hỗ trợ để tránh tình trạng trà trộn heo bệnh với heo lành đưa ra thị trường, nhưng sự “cẩn thận” của người tiêu dùng đã đi quá giới hạn của sự “phòng vệ”, gần như là tẩy chay thịt heo.
Tại chợ thị trấn Chí Thạnh, một cán bộ Ban quản lý chợ cho biết, trước đây chợ có 11 hàng thịt heo nhưng hiện nay chỉ có 7 hàng còn bày bán, 4 hàng đã tạm nghỉ. Chị Đào, một người bán thịt heo lâu năm ở chợ này chỉ rổ thịt còn đầy, cho hay nếu trước mỗi ngày bán thịt của 4 con heo, thì nay mỗi ngày chỉ làm một con, chia ra cho hai người bán vẫn ế. Chị Đào nói: “Heo tôi trực tiếp đi mua, còn lành lặn, khỏe mạnh, làm thịt ra có cán bộ thú y đóng dấu kiểm định đàng hoàng, vậy mà người mua vẫn ngại”.
Các quán ăn có dùng thịt heo thì đã chuyển sang các loại thịt khác. Chủ quán cơm Ngọc Minh (thị trấn Chí Thạnh) cho biết giá thịt heo đang hạ thấp, bán có lãi nhưng không bán được. Người vào ăn cơm cứ dặn cho cá, thịt bò hoặc thịt gà, không ai kêu các món từ thịt heo, nên từ hơn mười ngày nay quán này đã nói không với thịt heo. Trên bếp, chỗ ngày trước nồi cháo lòng heo “truyền thống” luôn bốc khói, là món khoái khẩu của thực khách từ Tuy Hòa ra công tác ở các huyện phía bắc tỉnh luôn muốn ăn, thì nay đã thay vào đó, bằng nồi… cháo gà. Món bún giò đã thay bằng bún bò. Các hàng bún giò trước chợ Chí Thạnh hàng đêm đông đúc người ăn nay thưa thớt đáng buồn.
CÁ, BÒ, GÀ “LÊN HƯƠNG”
Thay thế món thịt heo vào bữa ăn người tiêu dùng phải chấp nhận mua các loại cá biển, cá đồng, thịt bò, thịt gà với giá cả đang nhích dần lên. Tại chợ Chí Thạnh, giá thịt bò đã tăng từ 100.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg. Thịt gà làm sẵn đã từ 50.000đồng/kg tăng lên từ 75.000-90.000đồng/kg tùy loại. Một nghịch lý đang diễn ra ở chợ là trong khi hàng thịt heo thưa thớt người mua, người bán mỏi mắt chờ khách hàng thì hàng cá ở đối diện, người bán không kịp trở tay. Đang mùa biển động, lượng cá về chợ không dồi dào như trước nên người bán cá mặc sức hét giá cao. Vậy mà người mua vẫn chấp nhận vì thà đắt mà ăn ít một chút còn hơn… ăn mắm!
Từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng, đến cả những anh dân quân đang ngày đêm dập dịch đều mong dịch heo tai xanh mau qua, cuộc sống sớm bình ổn trở lại.
DƯƠNG THANH XUÂN