Gần đây, người dân xã An Nghiệp, huyện Tuy An áp dụng mô hình nuôi nai và tận dụng chất thải làm hầm biogas, thu được kết quả rất khả quan. Ngoài việc có thu nhập hàng năm từ việc lấy nhung, con giống, người dân còn tận dụng được chất thải của nai làm chất đốt để gia đình đun nấu.
Gia đình chị Lê Thị Thu ở thôn Định Phong, xã An Nghiệp là những người đầu tiên thử nghiệm mô hình nuôi nai thương phẩm kết hợp làm hầm bioga. Tháng 3/2010, chị mua 2 con nai 7 tháng tuổi ở trại giống Hòa An với giá 30 triệu đồng. Chị Thu cho biết, nuôi nai chủ yếu là phải có vốn khá cao để đầu tư ban đầu, người nuôi không tốn nhiều công chăm sóc, thức ăn chủ yếu là tận dụng rau cỏ vườn nhà. Nai ở rất sạch nhưng chất thải của nó rất nặng mùi. Ban đầu, ngày nào chị Thu cũng phải quét chuồng trại, dọn phân nai để không ảnh hưởng đến những gia đình lân cận. Sau đó, học tập gia đình mẹ, chị làm hầm biogas. Chị Thu tâm sự: “Lúc đầu, nghe tôi nói làm hầm biogas từ phân nai, ai cũng ngăn cản vì cho rằng phân nai rất ít, nhà tôi lại chỉ nuôi 2 con nai nên không đủ lượng phân cần thiết để tạo ra khí đốt. Tuy nhiên, tôi cứ thử, vì ít nhất cũng có thể giải quyết được vấn đề vệ sinh chuồng trại, không làm ảnh hưởng đến nhà hàng xóm”. Thật bất ngờ, hầm biogas đã phát huy tác dụng. Từ tháng 5/2010 đến nay, gia đình chị sử dụng bếp gas sinh học này để nấu nướng.
Chị Thu cho biết, từ lúc làm hầm biogas, sử dụng bếp gas sinh học, chưa bao giờ nhà chị thiếu gas dùng. Ngoài việc nấu thức ăn, chị còn nấu được 1-2 ấm nước mỗi ngày. Với hầm biogas, mỗi năm gia đình chị tiết kiệm được từ 3 - 4 triệu đồng tiền chất đốt, lại không tốn nhiều thời gian dọn chuồng trại như trước. Cặp nai của gia đình chị Thu còn khá nhỏ, chưa thu hoạch được đợt nhung nào nhưng trước mắt đã giúp tiết kiệm được chi phí mua gas đun nấu. Chị Thu phấn khởi tâm sự: “Nếu có thêm vốn, tôi sẽ nuôi thêm một cặp nai nữa và mở rộng hầm biogas, nếu dùng không hết thì cho nhà bên cạnh dùng “ké”…”.
Thấy gia đình chị Thu thành công trong việc sử dụng hầm biogas từ phân nai, anh Trần Công, một người cùng thôn, có thâm niên trong nghề nuôi nai cũng đến học tập kinh nghiệm. Anh Công cho biết: “Gia đình tôi nuôi đàn nai từ nhiều năm nay, nhưng không nghĩ là phân nai có thể tạo nên chất đốt. Khi thấy gia đình chị Thu thử nghiệm mô hình này có hiệu quả và được sự hướng dẫn của chị, tôi lặn lội ra Bình Định mời thợ làm hầm biogas. Đến nay hệ thống hầm đã hoàn thành và bước đầu phát huy tác dụng. Chị Đào Thị Lập, vợ anh Công cho biết, với bếp gas sinh học, chị không chỉ đun nấu thức ăn cho gia đình mà còn nấu thức ăn cho heo, bò. Hệ thống hầm biogas cải tiến có bộ phận lọc và khử mùi, không gây mùi hôi trong quá trình đun nấu. Ngoài ra, mỗi khi gas quá nhiều, hệ thống tự động xả bớt, không gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Nuôi nai ít tốn công chăm sóc, thức ăn dễ tìm nên hiện nay, nhiều nông dân ở xã An Nghiệp và các vùng khác thuộc huyện Tuy An hướng tới việc đầu tư nuôi nai. Anh Trần Công cho biết, anh nuôi 3 con nai đực, 2 con nai cái, đã sinh được 2 lứa nai con và có 8 lần cắt nhung. Gia đình anh bán nhung, thu được 17-18 triệu đồng/con/năm. Nai giống cũng có giá rất cao, từ 15-17 triệu đồng/con. Nếu cứ đà phát triển tốt như hiện nay, anh tin là cuộc sống gia đình mình sẽ ngày một khấm khá hơn.
Xã An Nghiệp hiện có hơn 10 hộ nuôi nai thương phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao, còn mô hình nuôi nai và làm hầm bioga bắt đầu được nhiều người dân ở đây áp dụng.
Ông Nguyễn Đình Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nghiệp nói: “Đây là một mô hình vừa có hiệu quả kinh tế cao, lại vừa có lợi cho môi trường, thu hút sự quan tâm của nhiều hộ gia đình. Tôi đã đề nghị Hội Nông dân huyện tạo điều kiện cho bà con vay vốn để phát triển mô hình này, góp phần nâng cao đời sống”. Nắm bắt được mong muốn của nông dân xã An Nghiệp, bà Đinh Hồng Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An cho biết: “Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tuy An sẽ thẩm định lại hiệu quả, chất lượng của mô hình nuôi nai và làm hầm biogas tại xã An Nghiệp. Nếu mô hình trên thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại thân thiện với môi trường, chúng tôi sẽ lập dự án trình UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho bà con vay vốn để nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao đời sống người nông dân”.
NGÔ XUÂN