Nông dân xã Sơn Long thu hoạch sắn - Ảnh: P.NAM |
ĐƯỢC MÙA, ĐƯỢC GIÁ
Vụ này, huyện Sông Hinh có khoảng 4.700ha sắn, tăng hơn 300ha so với cùng kỳ. Theo một số nông dân, diện tích tăng là do bà con nhận thấy giá sắn có chiều hướng tăng, việc đầu tư lại đơn giản, ít tốn kém.
Những ngày này, hai bên trục dọc miền Tây đoạn qua xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), nông dân đang thi nhau nhổ những bụi sắn tươi đầu mùa. Chị Nguyễn Thị Hà, một chủ rẫy, không giấu nổi niềm vui, nói: “Năm nay sắn nhiều củ và to, giá cả lại cao, bà con vô cùng phấn khởi”.
Xã Krông Pa, vùng nguyên liệu sắn lớn nhất huyện Sơn Hòa, tuy mới bước vào đầu vụ nhưng bà con hết sức phấn khởi vì được mùa, được giá. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, cán bộ nông nghiệp xã, trước đây giá sắn thấp, bà con phải vất vả thuê xe vận chuyển sắn bán cho nhà máy sắn Đồng Xuân và Sông Hinh, nhiều hộ xắt lát phơi khô hồi hộp chờ sắn tăng giá. Nay giá cao, thương lái đến mua sô tại ruộng. Điều đáng mừng là sản phẩm làm ra được các nhà máy và thương lái tiêu thụ nhanh chóng nên không làm ảnh hưởng đến năng suất.
Hiện nay, giá sắn tại bàn cân nhà máy dao động từ 2.000 đến 2.200đ/kg, tùy theo hàm lượng tinh bột, tăng gần gấp đôi so với đầu vụ. Đang bước vào thu hoạch rộ nên lượng sắn đưa về các nhà máy khá lớn. Ông Lê Văn Tâm, Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân cho biết: “Để tiêu thụ hết nông sản, tránh tình trạng ứ đọng, nhà máy đang chạy với công suất từ 400 - 450 tấn sắn tươi/ngày, có thời điểm phải hoạt động với công suất tối đa 600 tấn/ngày”. Qua tìm hiểu tại một số chân ruộng, nếu sử dụng các loại giống bản địa, năng suất chỉ khoảng 12-15 tấn/ha, còn đối với giống cao sản, năng suất có thể lên đến 20-25 tấn/ha.
SẮN “VÀNG” RỘN RÀNG ĐẤT NÚI
Về các huyện miền núi trong những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp không khí tất bật thu hoạch sắn. Trên các con đường liên thôn, liên xã, xe cộ nối đuôi nhau vận chuyển nông sản về nhà máy. Nông dân ở huyện Sơn Hòa cho biết, đây là năm sắn đạt năng suất, sản lượng khá cao, giá cả lại cao, thu hoạch bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu nên người trồng sắn có lãi, thu nhập cao so với một số loại cây trồng thông thường. Nhiều người trồng sắn với diện tích lớn, sau khi trừ chi phí lãi cả trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Khánh, cán bộ kỹ thuật Phòng NN - PTNT huyện Sơn Hòa cho biết: “Vụ sắn 2009 - 2010, toàn huyện xuống giống được hơn 1.700ha, giảm gần 200ha so với vụ trước do giá sắn vụ trước thấp, thiếu giống…, nông dân chuyển sang trồng mía”. Tuy diện tích sắn giảm song người trồng sắn lại trúng đậm vì đạt năng suất, gặp giá cả tăng cao. Diện tích sắn tại các xã vùng cao Sơn Long, Sơn Xuân, Sơn Định (huyện Sơn Hòa) vụ này khoảng 250ha, phần lớn được bà con xen canh với cây cao su, bình quân mỗi hộ chỉ trồng từ 3 - 5 sào.
Nhưng không khí thu hoạch sắn trên các cánh đồng diễn ra khá sôi động. Chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn Suối Phèn, xã Sơn Long phấn khởi cho biết: “Vì không có đất nên gia đình chỉ trồng được 3 sào xen canh với các loại cây trồng khác. Do thời thời tiết thuận lợi, thích hợp với giống cao sản KM 94 nên thu được gần 10 tấn. Với giá cả hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 10 triệu đồng”. Còn Ma Thủy ở buôn Khăm, xã Krông Pa nói: “Tôi trồng được 3ha, sắn vừa đủ tuổi thu hoạch, thương lái đến tận ruộng mua 1,2 sào, tương đương 35 tấn, trừ chi phí kiếm hơn 20 triệu đồng. Diện tích còn lại chờ ngớt mưa tiếp tục thu hoạch”. Ma Rơn ở cùng buôn trồng được 2ha sắp đến thời điểm thu hoạch, bộc bạch: “Đất tốt, thời tiết thuận lợi, bón phân đầy đủ, ước năng suất vụ này đạt 25 tấn/ha. Trừ 6 triệu đồng tiền giống, 4 triệu tiền cày, hơn 3 triệu tiền phân, công chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển…, với giá cả như hiện nay, cầm chắc 50 triệu đồng”.
Các ngành chức năng và địa phương cho biết, mặc dù sắn được giá, song nông dân không nên nhất thời chạy theo mùa vụ mà phá vỡ quy hoạch, cơ cấu cây trồng. Chính vì vậy, bên cạnh việc định hướng phát triển ổn định, bền vững diện tích, điều quan trọng là chủ động đề ra chiến lược chuyển đổi cây trồng theo nhu cầu của thị trường để nông dân nắm được, đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định.
PHƯƠNG