Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2010 thay thế Nghị định 89/2002, quy định về hóa đơn bán hàng, dịch vụ. Điểm mới của nghị định là tổ chức, cá nhân kinh doanh được tự in hóa đơn, đặt in hóa đơn hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử để sử dụng trong việc bán hàng hóa, dịch vụ.
Nghị định 51 có hiệu lực vào ngày 1/1/2011, được đánh giá sẽ thay đổi nhận thức và thực hiện về hóa đơn chứng từ trên toàn quốc và quan trọng hơn là trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc tự tạo hóa đơn để sử dụng dưới hình thức hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 153 hướng dẫn thi hành Nghị định 51, theo đó cơ quan thuế bán hóa đơn cho tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh; hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn không thuộc đối tượng tạo hóa đơn tự in. Ông Nguyễn Bá Thành, Giám đốc DNTN Bá Thành (TP Tuy Hòa) cho rằng Nghị định 51 của Chính phủ có ý nghĩa lớn trong đời sống kinh tế - xã hội. Nó làm thay đổi phương thức quản lý hóa đơn, giảm bớt thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế, phù hợp với các chuẩn mực quốc gia, các văn bản quy phạm pháp luật của Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán, Luật Giao dịch điện tử và Luật Thuế. Đặc biệt, nghị định đã quy định hóa đơn xuất khẩu và công nhận tính hợp pháp của hóa đơn xuất khẩu do doanh nghiệp lập và có thể dùng thay thế cho hóa đơn giá trị gia tăng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân bán hàng có ủy quyền bán hàng hóa, dịch vụ cho tổ chức, cá nhân khác được ủy nhiệm lập hóa đơn cho tổ chức, cá nhân nhận ủy nhiệm khi bán hàng hóa, dịch vụ… Về mặt quản lý doanh nghiệp, nghị định này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chủ động in, quản lý, sử dụng hóa đơn bán hàng của chính đơn vị.
Đại diện Cục Thuế Phú Yên cho biết, các doanh nghiệp cần thực hiện ngay một số việc nhằm chuẩn bị cho Nghị định 51 có hiệu lực vào đầu năm sau. Trước hết, phải tự xác định doanh nghiệp mình sẽ sử dụng loại hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in hay hóa đơn điện tử và đăng ký sớm với cơ quan thuế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị thiết kế mẫu hóa đơn cho phù hợp, có những phương án về bảo mật để có thể quản lý một cách tốt nhất, tránh bị giả mạo. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý về số lượng mua hoặc đặt in hóa đơn sử dụng từ nay đến hết năm 2010 để tránh lãng phí vì sau ngày 31/12, những hóa đơn này sẽ hết giá trị và phải thanh hủy.
Việc thực hiện đúng các quy định về hóa đơn, chứng từ theo Nghị định 51 sẽ tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các đối tượng nộp thuế; giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi hơn. Vì thế các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần nghiên cứu kỹ những nội dung quy định của Nghị định 51 và văn bản hướng dẫn thi hành để xác định doanh nghiệp mình thuộc diện tự in hay đặt in hóa đơn và chủ động xác định mẫu hóa đơn, số lượng hóa đơn tự in và đặt in… Trong quá trình triển khai, tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp có thể liên hệ với cơ quan thuế các cấp để được hỗ trợ.
VÂN NGUYÊN