Tuy An là một trong những địa phương đang bị vướng trong khâu cấp giấy phép khai thác cát (vật liệu xây dựng thông thường), nên một số người khai thác, kinh doanh cát trái phép có cơ hội làm ăn, thu lợi không chính đáng. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đã đề xuất với tỉnh một số giải pháp.
Khai thác cát trái phép dưới cầu Ngân Sơn (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) – Ảnh: P.NAM
Với tốc độ phát triển của xã hội hiện nay, nhu cầu cát xây dựng đang là vấn đề cấp thiết đối với nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều công trình xây dựng không thể “ngồi chờ” nên đã sử dụng cát từ nguồn khai thác trái phép. Điều này không những không quản lý được nguồn tài nguyên khoáng sản mà còn gây thất thoát nguồn thu ngân sách cho địa phương và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
KHÓ KHĂN CHỐNG “CÁT TẶC”
Thời gian qua, việc khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Tuy An xảy ra thường xuyên, nhất là khu vực cầu Ngân Sơn trên sông Cái, vùng giáp ranh giữa thị trấn Chí Thạnh với các xã An Dân, An Ninh Tây. Trước tình hình này, UBND huyện Tuy An đã ra nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện giao nhiệm vụ cho các địa phương trong huyện phải tăng cường việc quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương mình. Giao đoàn kiểm tra liên ngành của huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc khai thác, mua bán, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn. Các xã, thị trấn không vì lợi ích của địa phương mà cho phép hoặc thiếu kiểm tra, giám sát, đồng thời giao cho Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện có trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện để xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn…
Sở Tài nguyên – Môi trường cũng nhiều lần phối hợp với Cảnh sát môi trường Công an tỉnh và UBND huyện Tuy An kiểm tra và xử lý những đơn vị, cá nhân khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Tuy An. Theo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Tuy An, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện đã xử phạt 13 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác cát trái phép. Phạt tiền mỗi trường hợp từ 500.000-2 triệu đồng, trong đó có một trường hợp đã xử phạt 15 triệu đồng và tịch thu tang vật là một máy nổ D18 khi đang khai thác cát trái phép ở khu vực cầu Ngân Sơn… Tuy nhiên, việc khai thác cát trái phép ở khu vực cầu Ngân Sơn chỉ tạm lắng xuống khi có đoàn kiểm tra, sau đó đâu lại vào đấy và tiếp tục tái diễn. Theo UBND huyện Tuy An, nguyên nhân việc khai thác cát trái phép tái diễn là do hiện nay trên địa bàn huyện chưa có một đơn vị nào được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát, trong khi nhu cầu cát để phục vụ xây dựng các công trình và nhà cửa của nhân dân rất cao, nhất là sau đợt lụt bão hồi cuối năm 2009 đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản của dân.
GIẢI QUYẾT KHAI THÁC CÁT TRÁI PHÉP, CÁCH NÀO?
Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 413/QĐ-UBND ngày 11/3/2009, cho biết: Phú Yên có trữ lượng cát lòng sông thuộc sông Ba, sông Cái, sông Bánh Lái và sông Tam Giang khoảng 370 triệu mét khối, trong đó có 30 điểm mỏ cát được quy hoạch khai thác với trữ lượng khoảng 150 triệu mét khối. Căn cứ vào quy hoạch đó, UBND huyện Tuy An đã chọn một số đơn vị để thực hiện dự án khai thác, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho các công trình và nhu cầu dân sinh trên địa bàn huyện để trình lên UBND tỉnh cấp giấy phép cho các đơn vị này hoạt động. UBND huyện Tuy An sẽ tiến hành khảo sát lập thủ tục đề nghị UBND tỉnh cho bổ sung vào quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện và lập thủ tục xin khai thác đúng theo quy định. Tuy nhiên, theo chủ trương của UBND tỉnh, nhằm từng bước đưa hoạt động khoáng sản đi vào nề nếp, thống nhất từ tháng 10/2006 trở đi, việc đầu tư trên lĩnh vực khoáng sản phải có chủ trương thăm dò, khai thác và chế biến của UBND tỉnh (Thông báo số 817, ngày 2/10/2006 của UBND tỉnh), do vậy, việc khai thác cát đúng quy định của pháp luật trên địa bàn huyện Tuy An còn gặp nhiều vướng mắc.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An Phạm Thị Thùy Lê, đối với vị trí, trữ lượng, sản lượng và đơn vị khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ, đề nghị UBND tỉnh cho phép bỏ qua thủ tục thăm dò, đánh giá trữ lượng mà chỉ thực hiện khai thác đúng theo quy hoạch được phê duyệt và tăng cường công tác thanh, kiểm tra trong quá trình khai thác. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét và sớm cấp giấy phép khai thác cho các đơn vị mà UBND huyện đã trình lên. Để có nguyên liệu cát xây dựng phục vụ nhu cầu xây dựng cấp thiết các công trình dân dụng trên địa bàn huyện, để tránh tình trạng khai thác cát trái phép làm thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng môi trường.
ANH NGỌC