Từ khi cơ quan chức năng tiêu hủy heo bị bệnh tai xanh ở thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An), tình hình buôn bán thịt heo tại chợ xã này trở nên ế ẩm. Tại nhiều địa phương khác, bệnh tụ huyết trùng, dịch tả cũng đang uy hiếp đàn heo…
Các sạp bán thịt heo chợ xã An Mỹ ế ẩm - Ảnh: H.NAM |
DỊCH TẢ, TỤ HUYẾT TRÙNG UY HIẾP ĐÀN HEO
Bà Đỗ Thị Đậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên: Qua kiểm tra ở một số địa phương xảy ra trường hợp heo chết do mắc bệnh tụ huyết trùng, dịch tả thì hầu hết các hộ chăn nuôi không tiêm phòng đầy đủ. Người chăn nuôi nên chú trọng công tác tiêm phòng cho heo, vì như thế mới ngăn chặn các loại dịch bệnh.
Mới đây, tại xã An Phú (TP Tuy Hòa), gần với thôn Giai Sơn, đàn heo của một hộ chăn nuôi có hiện tượng nổi mẩn đỏ, nóng sốt rồi lăn ra chết. Theo ông Trần Văn Quang, Trưởng Trạm Thú y TP Tuy Hòa, nguyên nhân là heo mắc bệnh dịch tả, do trước đây không tiêm phòng. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Trạm Thú y TP Tuy Hòa tiến hành tập huấn cho nhân dân xã An Phú về cách hiểu biết chẩn đoán và phòng trừ các loại bệnh thường gặp trên đàn heo.
Tình hình đàn heo ở TP Tuy Hòa thời gian qua mắc bệnh tụ huyết trùng, dịch tả, diễn biến phức tạp. Thống kê của Trạm Thú y thành phố cho biết, từ 20-25/9, đã có 20 con heo bị bệnh, trong đó 4 con bị chết. Kết quả xét nghiệm, số heo này âm tính với virus gây bệnh tai xanh, triệu chứng lâm sàng và bệnh tính được xác định là bệnh dịch tả ghép bệnh tụ huyết trùng. Trước đó, tại các xã Bình Ngọc, Hòa Kiến cũng đã xảy ra heo chết gây thiệt hại người chăn nuôi. Trạm Thú y TP Tuy Hòa đã triển khai các biện pháp chống dịch, đến nay chưa có dấu hiệu bệnh lây lan ra xung quanh. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh tai xanh và dịch tả heo trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiềm ẩn. Trước tình hình trên, UBND TP Tuy Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát dịch bệnh nhất là vùng có nguy cơ cao. Tại chợ Tuy Hòa, cán bộ thú y túc trực đã cấm tuyệt đối không cho hộ kinh doanh bán thịt heo và các sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc.
Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi có heo chết sạch chuồng, nguyên nhân là do chủ quan không tiêm phòng. Bà Nguyễn Thị Liêm, ở thôn Giai Sơn, có 4 con bị bệnh dịch tả, cho biết: “Tôi mới gầy vốn nuôi lứa đầu tiên, và không có tiêm phòng”. Còn ông Nguyễn Văn Với cũng ở thôn Giai Sơn, đầu tư nuôi heo đã 3 năm, số lượng tương đối lớn nhưng lâu nay không hề tiêm phòng. Vừa qua, đàn heo của ông có 25 con chết, thiệt hại lớn về kinh tế.
THỊT HEO Ế ẨM
Gần 11g trưa nhưng hơn 10kg thịt heo của bà Huỳnh Thị Loan, ở chợ Phú Long (chợ xã An Mỹ) vẫn còn quá nửa. Bà Loan cho biết: Thường trước đây, đến khoảng giờ này là đã bán hết thịt, còn mấy hôm nay, nhiều khách quen qua lại tôi mời mua, họ lắc đầu”. Không chỉ riêng bà Loan, chủ của 7 sạp bán thịt heo ở đây ai cũng ngán cảnh mua bán ế ẩm. Giá thịt đùi tại chợ này hiện chỉ bán 50.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với trước, còn nội tạng như gan, lòng… thì không ai ngó ngàng đến. Bà Võ Thị Nương than vãn: “Hôm qua, tôi ngồi đến chiều tối vẫn không bán hết hàng. Vì thế, mấy ngày qua nhiều người chăn nuôi gọi bán heo nhưng tôi và các lò mổ không dám đến mua”.
Những ngày qua, ở thôn Phước Hòa (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân), nhiều gia đình có heo bị bệnh chết vứt bừa bãi ra sông, suối gây ô nhiễm môi trường. Bà Nguyễn Thị Hải, người ở thôn Phước Hòa, cho biết: “Không biết bệnh gì nhưng thời gian qua, ở đây heo chết nhiều, người dân đem heo chết ném xuống suối Tía hôi thối nồng nặc”. Cũng vì chứng kiến những cảnh đó, nên người tiêu dùng e ngại mua thịt heo.
MẠNH HOÀI