Hơn 5 tháng qua, trên bãi Đồng thuộc thôn Phú Mỹ (xã Xuân
Hì hục đào bới san hô trên bãi Đồng thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) - Ảnh: T.HIẾU
ĐỔ XÔ ĐÀO SAN HÔ
Ông Lê Văn Thị, Bí thư chi bộ thôn Phú Mỹ (xã Xuân Phương, TX Sông Cầu) nói: “Bãi Đồng có rất nhiều tảng đá san hô ngầm lớn nên các loài sò, tôm hùm và các loài cá về đây cư trú, sinh trưởng. Nguồn thủy sản tự nhiên này nuôi sống cả người dân ở địa phương và các xã lân cận. Nhưng hiện nay, tình trạng khai thác đá san hô đã lên tới mức báo động, làm cho bãi Đồng ngày càng biến dạng, các loài cá, sò, rau câu… không còn như trước nữa. Người dân đang trông chờ các cấp chính quyền địa phương, các ngành liên quan ra tay “cứu” lấy bãi Đồng”.
Tại bãi Đồng, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng trăm người đang đào san hô. Họ mang theo sõng, bè để vận chuyển san hô về tập kết dọc hai bên đường của thôn Phú Mỹ. Anh Nguyễn Thành Tây (23 tuổi), người trực tiếp khai thác san hô cho biết: “Trước đây, do không biết san hô có giá nên không ai đi đào. Từ khi có nhiều người dân địa phương khác đến đây khai thác, thu mua với giá cao nên nhiều người đổ xô đi đào”. Hiện san hô có giá 250.000 đồng /m³, một người chỉ cần bỏ ra hai tiếng đồng hồ là đào được chừng 2m³. Không chỉ người dân trong vùng mà thanh niên ở các làng lân cận cũng bỏ nghề đi biển để đào san hô. Ông Lê Trung Thành (66 tuổi) ở thôn Phú Mỹ nói: “Trước đây san hô còn nhiều và nằm trên mặt đầm, chị em phụ nữ dễ dàng thu nhặt. Nay loại này đã hiếm, lại nằm sâu dưới đáy đầm nên đối tượng khai thác đa phần là nam thanh niên. Chính vì vậy, bãi Đồng giờ đã xuất hiện nhiều hố sâu, nước đục, gây ảnh hưởng lớn đến việc thả nuôi tôm hùm của bà con”.
Theo người dân địa phương, bình quân mỗi ngày có khoảng 100 người đến đây khai thác san hô. Tình trạng khai thác san hô ồ ạt nơi đây không chỉ diễn ra vào ban ngày mà cả vào ban đêm, khoảng 10 giờ đêm cho đến 2 giờ sáng.
CHÍNH QUYỀN GẶP KHÓ TRONG QUẢN LÝ, XỬ LÝ
Việc khai thác đá san hô ở bãi Đồng đã diễn ra từ lâu nhưng đến nay, chính quyền xã Xuân Phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm, dẫn đến tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường biển, đầm ngày càng bị hủy hoại. Nhiều người bày tỏ lo ngại, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì không biết lớp con cháu sau này sống bằng nghề gì khi tài nguyên, môi trường nước bị ô nhiễm, xáo trộn.
Ông Ngô Đồng Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) thừa nhận: “Tình trạng khai thác đá san hô ở thôn Phú Mỹ rộ lên từ quý II/2010. Địa phương đã thành lập một tổ kiểm tra, ngăn chặn việc này nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Mới đây, xã phối hợp với Công an TX Sông Cầu để ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển san hô. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp không ít khó khăn vì các đối tượng thường xuyên thay đổi giờ vận chuyển, trong khi đó lực lượng của xã lại quá mỏng, đa phần làm kiêm nhiệm nên không thể ứng trực 24/24 được”.
Theo nhiều người dân địa phương, họ đã nhiều lần gọi điện báo cho chính quyền mỗi khi có xe chở san hô đi qua, nhưng không ai đứng ra can thiệp. Về việc này, ông Tâm giải thích: “Lúc ấy, chúng tôi chỉ đạo công an xã chạy đến hiện trường nhưng không kịp. Những chiếc xe chở san hô có lực lượng bốc dỡ rất đông nên kịp thời tẩu tán. Ngoài ra, đối tượng vận chuyển, mua bán san hô giữa đêm khuya nên việc phối hợp với cảnh sát giao thông thị xã khó chủ động được”.
Bà Phan Thị Sinh, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường TX Sông Cầu, cho biết: “Do tình trạng khai thác san hô ngày càng diễn biến phức tạp nên ngày 18/6/2009, Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Phòng Kinh tế và Thanh tra của thị xã có buổi làm việc với UBND xã Xuân Phương để thành lập đoàn kiểm tra, xử lý dứt điểm, đồng thời, đề nghị xử lý 21 hộ dân ở thôn Phú Mỹ tham gia khai thác san hô. Tuy nhiên, đến đầu quý II/2010 tình trạng này lại tái diễn”. Cũng theo bà Sinh, cách duy nhất để ngăn chặn việc khai thác san hô hiện nay là thành lập một tổ công tác kiểm tra hàng ngày tại hiện trường, đồng thời tịch thu đưa về trụ sở thì may ra mới ngăn chặn dứt điểm.
TRUNG HIẾU