Thứ Ba, 01/10/2024 22:35 CH
Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại
Thứ Sáu, 03/09/2010 12:29 CH

Định hướng phát triển nông nghiệp của Phú Yên trong 5 năm tới là tiếp tục ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh... Đây là một trong những giải pháp trọng yếu để hiện đại hóa ngành Nông nghiệp. 

 

anhlua100902.jpg

Cán bộ nông nghiệp và nông dân trao đổi cách chọn giống lúa ngay trên đồng ruộng - Ảnh: L.BIẾT

 

NÔNG DÂN LÀM NHÀ KHOA HỌC

 

Phú Yên có khoảng 25.000ha sản xuất lúa hai vụ, với sản lượng lương thực ổn định 320.000 tấn. Ngoài ra, Phú Yên còn hình thành vùng chuyên canh cây mía và sắn với diện tích hơn 28.000ha, cùng nhiều cây công nghiệp khác như cao su, cà phê, tiêu... Nông nghiệp gắn với hơn 80% dân số của tỉnh, vì vậy phát triển nông nghiệp để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích là yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay. Đến năm 2010, Phú Yên đã nâng được giá trị sản xuất của 1ha đất nông nghiệp lên 29 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2005. Đây là kết quả mà trong những năm qua ngành Nông nghiệp Phú Yên đã nỗ lực đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh chương trình này trong những năm tiếp theo.

 

Thời gian qua, các chương trình, dự án đưa tiến bộ khoa học xuống đồng ruộng đã được triển khai tại Phú Yên, như chương trình 3 giảm, 3 tăng; bốn nhà cùng ra đồng; sản xuất giống nông hộ; chương trình Bucap và mới đây nhất là chương trình 1 phải 5 giảm do Bộ NN-PTNT triển khai. Thông qua các chương trình này, các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất liên tục được tổ chức, qua đó nông dân đã nắm bắt kỹ thuật canh tác tiên tiến từ những chuyên gia nông nghiệp truyền đạt. Ông Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm - Khuyến ngư Phú Yên cho biết: “Trung tâm đang tiếp tục triển khai ba chương trình phát triển nông nghiệp đến bà con nông dân. Trước mắt vẫn duy trì và phát triển hai chương trình giống nông hộ và 3 giảm, 3 tăng. Đối với chương trình 1 phải 5 giảm, lần đầu tiên triển khai trong vụ hè thu 2010, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô”.

 

Những thành tựu khoa học đưa xuống đồng ruộng đã góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Có thể thấy rõ điều này từ 13ha lúa sản xuất theo chương trình 1 phải 5 giảm tại các xã Nam An Nghiệp (huyện Tuy An), Hoà Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) và Hòa Hội (huyện Phú Hòa) vừa được triển khai trong vụ hè thu 2010. Năng suất lúa bình quân đạt 78tạ/ha, tăng hơn năng suất bình quân ruộng đối chứng từ 15-17 tạ/ha - một kết quả mà trước đó khó nông dân nào có thể nghĩ tới. Những nông dân lâu nay chỉ quen với cái cuốc, tay cày thì nay gần như trở thành những cán bộ nông nghiệp thực thụ khi thực hành điều tra sâu bệnh, quá trình sinh trưởng của cây lúa trên đồng ruộng và tự chọn tạo ra những giống lúa thích hợp với chân đất tại địa phương. Với cách tiếp cận mới là học lý thuyết, kết hợp sản xuất ngay trên ruộng lúa nông dân có thể chọn lọc giống, phục tráng giống và chọn dòng phân ly... Bà Trần Thị Liễu Thu, nông dân xã An Ninh Tây bộc bạch: “Có cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, chúng tôi biết cách chọn giống lúa, phục tráng giống, chọn dòng phân ly để tìm ra giống tốt canh tác trên ruộng nhiễm mặn. Vụ vừa rồi, bà con đã chọn được giống AAS 96 để gieo sạ, nhìn mã lúa trên ruộng khi cây lúa vừa chín tới rất mừng!”

 

HÌNH THÀNH VÙNG CHUYÊN CANH TẬP TRUNG

 

Một thành tựu khác mà ngành Nông nghiệp Phú Yên đạt được là việc ứng dụng cơ giới vào khâu thu hoạch. Từ hai máy gặt đập liên hợp đưa vào hoạt động vào năm 2008, đến nay Phú Yên đã có 30 máy gặt đập liên hợp được đưa xuống đồng ruộng, góp phần giải phóng sức lao động, giảm tỉ lệ thất thoát trong thu hoạch lúa. Nông dân không phải lo chạy công mỗi mùa thu hoạch, không lo lúa thất thoát bị rơi vãi… Việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng không chỉ giải phóng sức lao động cho nông dân, mà còn giúp giảm 50% chi phi và rút ngắn 9/10 thời gian thu hoạch. Chương trình này đang tiếp tục được mở rộng thông qua chương trình hỗ trợ vốn vay tại các ngân hàng để mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Huỳnh Kiệm, phụ trách kinh doanh khu vực miền Trung - Tây Nguyên Công ty Máy nông nghiệp Minh Phát cho rằng: Kinh nghiệm hiện nay các tỉnh nghèo muốn có được nhiều máy móc phục vụ sản suất nông nghiệp thì nông dân phải hợp tác với nhau. Mỗi máy bao giờ cũng cần ba lao động vận hành, vì vậy một nhóm hộ ba người hợp tác mua một máy gặt đập liên hợp, giá khoảng 200 - 225 triệu đồng là rất khả thi.  

 

Ông Nguyễn Như Thức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Trước mắt sở tập huấn cho cán bộ nông nghiệp và nông dân về công nghệ và kỹ thuật vận hành các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiếp đến hỗ trợ các địa phương đầu tư mua máy. Ngoài ra, chúng tôi vận động nông dân tự đầu tư các loại máy cỡ vừa để làm dịch vụ nông nghiệp, tiến tới giải phóng sức lao động thủ công, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

 

Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2010 ngành Nông nghiệp Phú Yên đưa công nghệ bảo quản kín hạt giống lúa bằng công nghệ bao nhựa đặc biệt PE. Công nghệ san phẳng đồng ruộng bằng Lade do Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh chuyển giao cũng sẽ được đưa vào phục vụ, từng bước hình thành vùng lúa tập trung quy mô lớn, thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất để sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa... Tất cả những giải pháp này đã, đang và sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Phú Yên theo hướng hiện đại hóa, mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn tiếp theo.

 

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek