Cũng như người dân ở xã An Ninh Tây (huyện Tuy An), 15 hộ dân ở thôn Phú Sơn (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) có nhà ở bị sập trong đợt bão lũ hồi tháng 11/2009 đến nay vẫn chưa có nơi ở ổn định. Ngoài 4 hộ tự dựng lại nhà ở tạm trên nền đất cũ, 11 hộ còn lại vẫn phải sống trong những túp lều bạt, một số hộ khác phải “ăn nhờ, ở đậu” nhà hàng xóm, họ hàng.
Nhiều hộ dân ở thôn Phú Sơn (Xuân Quang 2) vẫn phải sống trong nhà bạt tạm bợ - Ảnh: P.NAM
VẪN SỐNG NHÀ TẠM
Ông Nguyễn Đình Hiệp, Trưởng thôn Phú Sơn ngậm ngùi chỉ tay về phía mảng nền nhà còn sót lại sau lũ nói: “Gia đình tôi là một trong số 15 hộ dân sống dọc hai bên bàu Đế bị cơn bão hồi tháng 11/2009 quét sạch. Hơn 8 tháng sau lũ, bà con vẫn phải chịu cảnh sống tạm bợ vì không có đất sản xuất, nhà cửa cũng chưa được ổn định”.
Cách nhà ông Hiệp chừng 20m là một ngôi nhà bạt che tạm của gia đình ông Nguyễn Xuân Hà và bà Nguyễn Thị Chút cùng ba đứa con nhỏ. “Bão, lũ ập đến cuốn phăng toàn bộ, cả ngôi nhà chúng tôi vừa xây. Sau lũ, chúng tôi được các chú bộ đội cho mượn bạt làm nhà ở tạm cho đến bây giờ, cực lắm. Rất mong Nhà nước sớm hỗ trợ để gia đình xây lại nhà, ổn định cuộc sống”, ông Hà nói.
Sau mưa lũ, chính quyền huyện Đồng Xuân dự kiến quy hoạch một khu tái định cư khoảng 2ha để bố trí chỗ ở cho người dân thôn Phú Sơn. Song dự án này không thực hiện được nên huyện vận động người dân tự tìm đất ở, huyện sẽ hỗ trợ mỗi nền nhà 30 triệu đồng. Nghe tin, bà con rất phấn khởi tự tìm và san nền nhà mới trên những khu vực đất trồng hoa màu, rừng sản xuất của người khác dưới chân núi Dồng Da, nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Thực tế cho thấy, sau khi bị lũ cuốn trôi gần như toàn bộ nhà cửa và tài sản, đời sống của người dân thôn Phú Sơn hầu như lâm vào bế tắc, không ruộng đồng, không tiền mua đất hợp pháp để xây nhà theo chủ trương của huyện. Gia đình nào may mắn gặp chủ đất “rộng lòng” thì được đào móng làm nền dựng nhà sống tạm, còn không thì cũng đành chấp nhận cảnh… nay đây, mai đó. Qua tìm hiểu được biết, nguồn kinh phí để xây dựng 11 nhà dân đã được tổ chức Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ tài trợ toàn bộ, tùy theo số người của từng hộ được nhận từ 52,5 triệu đồng đến 97,5 triệu đồng/hộ. Nhưng đến nay, người dân vẫn chưa nhận được số tiền này.
NHIỀU HỘ KHÔNG ĐẤT SẢN XUẤT
Thôn Phú Sơn có gần 100ha đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp trong trận lũ lịch sử cuối năm 2009. Ngoài một số diện tích bà con tự khắc phục để sản xuất, giải quyết cái ăn trước mắt, hiện vẫn còn trên 85ha còn nguyên hiện trạng. Trong khi đó, lương thực cứu trợ ba tháng sau lũ đã cạn từ lâu và hiện gia cảnh của 166 hộ dân ở thôn Phú Sơn đang gặp rất nhiều khó khăn. Trưởng thôn Nguyễn Đình Hiệp phân bua: “Phú Sơn là căn cứ cách mạng, 2/3 số hộ thuộc diện chính sách, nhưng đến nay bà con vẫn phải sống trong hoàn cảnh khó khăn vì thiếu đất sản xuất”. Ông Nguyễn Đức Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 thừa nhận: 11 hộ dân ở thôn Phú Sơn đúng là chưa nhận được tiền hỗ trợ để mua đất xây dựng lại nhà ở, đáng lo hơn là họ không có đất sản xuất, trong khi xã chưa tìm ra giải pháp gì để khắc phục. Ông Thi cho biết thêm, vấn đề nan giải nhất hiện nay là làm sao sớm khôi phục số diện tích đất sản xuất bị bồi lấp nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Vì không có đất, bà con chẳng biết làm gì, ngoài đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày.
Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Lương Mộng Sanh chia sẻ: Địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi lại sản xuất, ổn định đời sống cho người dân. Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện và Đảng ủy, chính quyền xã Xuân Quang 2 sớm lập thủ tục hỗ trợ tiền cấp đất nền làm nhà ở cho bà con và thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện, để người dân có nhà ở đàng hoàng trước mùa mưa bão năm nay.
PHƯƠNG