Huyện Tây Hòa có trên 450ha tiêu, được mệnh danh là “vương quốc tiêu” của Phú Yên. Loại cây này đang khẳng định giá trị kinh tế, là đối tượng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng đất đỏ bazan phía tây huyện.
Thu hoạch tiêu ở xã Sơn Thành Tây - Ảnh: N.TRƯỜNG
Những ngày tháng 7, vùng trồng tiêu xã Sơn Thành Tây nhộn nhịp hẳn lên khi bước vào vụ thu hoạch. Theo những tuyến đường chính vào các thôn Sơn Thọ, Sơn Trường, Sơn Tây, Sơn Nghiệp, sân nhà nào cũng phủ kín màu đen sẫm của tiêu được phơi kín cả lối đi, thoang thoảng mùi cay nồng. Còn trong nhà, tiêu khô được đóng vào bao tải chất đống chờ tiêu thụ. Ông Bùi Văn Trĩ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Sơn Thành cho biết: Năng suất tiêu năm nay không cao, bình quân khoảng 2,7 tấn/ha, thấp hơn vụ trước 5 tạ/ha. Nguyên nhân là do cơn bão số 11/2009 làm đổ ngã đến 40% diện tích. Nhưng bù lại giá tiêu năm nay đến 70.000 đồng/kg, gần gấp đôi so với năm trước nên người trồng tiêu đều có thu nhập khá. Ông Tạ Văn Tuy ở thôn Sơn Thọ canh tác 1,5 ha tiêu, cũng bị ảnh hưởng bão số 11/2009, song vẫn thu hoạch được gần 4,5 tấn tiêu khô. Tính ra mỗi héc-ta cho 3 tấn, trị giá 180 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 80 triệu đồng.
Cây tiêu bén rễ trên đất Tây Hòa gần 25 năm nay. Ngày ấy những cán bộ của Nông trường cà phê Sơn Thành (nay là Công ty cổ phần Cà phê Sơn Thành) lặn lội ra tận Tân Lâm (tỉnh Quảng Trị) để tìm giống tiêu về trồng thử nghiệm. Sau 3 năm, khi hiệu quả kinh tế của cây tiêu được khẳng định, công ty lần lượt phá bỏ cây cà phê kém hiệu quả để thay dần cây tiêu và trở thành cây trồng chủ lực của công ty. Nhiều năm sau đó, cây tiêu còn lan rộng ra nhiều xã phía tây của huyện như: Sơn Thành Đông, Hòa Phong, Hòa Phú và đến một số xã miền núi của huyện Tuy An. Hiện tại diện tích tiêu của huyện Tây Hòa trên 450ha, riêng trong Công ty cổ phần Cà phê Sơn Thành có 362ha, trong đó có 290ha. Những năm thời tiết thuận lợi, năng suất tiêu ở đây lên đến 3,5 tấn/ha, người trồng tiêu có thu nhập 100 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, trồng tiêu đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn (khoảng 80 triệu đồng/ha cho thời kỳ kiến thiết 4 năm) nên diện tích phát triển không mạnh, nếu không được ngân hàng đầu tư vốn. Ông Nguyễn Huy Chương ở thôn Sơn Trường được chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tây Hòa cho vay 30 triệu đồng đầu tư trồng 4.000m² tiêu. Đang vào kỳ thu hoạch thì bị cơn bão số 11/2009 làm đổ ngã gần 40% gốc tiêu. Ông Chương được ngân hàng “bơm” thêm 5 triệu đồng nên có vốn kịp thời chăm sóc vườn tiêu nên vụ này thu được gần 2 tấn.
Khi Nông trường Cà phê Sơn Thành chuyển đổi thành Công ty cổ phần Cà phê Sơn Thành thì trong khu vực nông trường thành lập bốn thôn thuộc xã Sơn Thành Tây, với 560 hộ dân. Hầu hết các hộ ở đây đều trồng tiêu, hộ ít trồng 0,2 ha, hộ nhiều 2ha. Nhờ cây tiêu mà cuộc sống của họ ổn định.
Ông Bùi Văn Trĩ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Sơn Thành cho biết thêm, chất lượng tiêu ở đây không thua kém tiêu ở các địa phương khác, thậm chí cả tiêu ở Chư Sê tỉnh Gia Lai nên công ty đang xúc tiến đầu tư xây dựng thương hiệu tiêu Sơn Thành để khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Ngoài ra, công ty đang đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm tiêu trắng, hiện trong giai đoạn thử nghiệm. Đồng thời liên kết với người dân mở rộng diện tích cây tiêu trong khu vực đất do công ty quản lý lên 400ha để có thể đạt sản lượng khoảng 1.200 tấn tiêu xuất khẩu vào năm 2012.
NGUYÊN TRƯỜNG