Theo cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, thay vì thực hiện 2 biện pháp xử lý nợ bị rủi ro là miễn, giảm lãi tiền vay và xóa nợ thì từ ngày 10/9/2010 sẽ áp dụng 3 biện pháp gồm: Gia hạn nợ, khoanh nợ và xóa nợ.
NHCSXH đã giải quyết cho hàng ngàn đối tượng chính sách được vay vốn - Ảnh minh họa: chinhphu.vn
Đối tượng áp dụng quy chế này là NHCSXH và khách hàng được vay vốn của NHCSXH bao gồm 10 đối tượng: 1- Hộ nghèo; 2- Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 3- Các đối tượng vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm; 4- Các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; 5- Các đối tượng được vay vốn để thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 6- Các hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; 7- Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; 8- Các đối tượng được hưởng chính sách tín dụng về nhà ở tại các vùng theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 9- Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; 10- Các đối tượng khác theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan
Quy chế chỉ quy định việc xử lý nợ của khách hàng vay vốn tại NHCSXH bị rủi ro do nguyên nhân khách quan. Đối với các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân chủ quan của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Việc xem xét, xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được thực hiện khi có đủ 3 điều kiện: 1- Khách hàng thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định, đã sử dụng vốn vay đúng mục đích; 2-Khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản; 3- Khách hàng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ cho ngân hàng.
Việc xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được xem xét từng trường hợp cụ thể căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ rủi ro và khả năng trả nợ của khách hàng, đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý, đúng trình tự, khách quan và công bằng giữa các đối tượng vay vốn.
3 biện pháp xử lý nợ
Gia hạn nợ là 1 biện pháp mới được quy định trong cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH.
Trong trường hợp này, khách hàng sẽ được kéo dài thời hạn trả nợ đã cam kết trong hợp đồng tín dụng và vẫn phải trả lãi tiền vay trong thời gian được gia hạn nợ. Khách hàng được xem xét gia hạn nợ khi đáp ứng đủ các điều kiện: Khách hàng vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân thứ 1 và 2 (nêu trong bảng); mức độ thiệt hại về vốn và tài sản dưới 40% so với tổng số vốn thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng.
Thời gian gia hạn nợ tối đa là 12 tháng đối với loại cho vay ngắn hạn; tối đa không quá 1/2 thời hạn cho vay đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Khoanh nợ cũng là một biện pháp mới, theo đó, NHCSXH chưa thu nợ của khách hàng và không tính lãi tiền vay phát sinh trong thời gian được khoanh nợ. Khách hàng được khoanh nợ khi khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân thứ 1 và thứ 2 (nêu trong bảng); mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40-100% so với tổng số vốn thực hiện của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng.
Thời gian khoanh nợ tối đa là 3 năm (nếu thiệt hại về vốn và tài sản từ 40-80%); là 5 năm (nếu thiệt hại từ 80-100%). Trường hợp hết thời gian khoanh nợ, khách hàng vay vẫn gặp khó khăn, chưa có khả năng trả nợ sẽ được xem xét tiếp tục cho khoanh nợ với thời gian tối đa không vượt quá thời gian đã được khoanh nợ lần trước theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Xóa nợ (gốc, lãi) là việc NHCSXH không thu một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi của khách hàng đang còn dư nợ tại NHCSXH. Có 2 trường hợp khách hàng được xem xét xóa nợ.
Thứ nhất, khách hàng vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân thứ 1 và 2 (nêu trong bảng) nhưng sau khi đã hết thời gian khoanh nợ mà vẫn không có khả năng trả nợ; đồng thời, NHCSXH đã áp dụng các biện pháp tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán.
Thứ hai, khách hàng vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân thứ 3, 4 (nêu trong bảng) và NHCSXH đã áp dụng các biện pháp tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán.
Số tiền xóa nợ cho khách hàng là số tiền khách hàng còn phải trả cho NH, sau khi NH đã áp dụng các biện pháp tận thu.
Theo chinhphu.vn