Thứ Tư, 02/10/2024 23:26 CH
Mai một làng gốm trăm tuổi
Thứ Hai, 02/08/2010 07:05 SA

Làng gốm Trường Thịnh, xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) tồn tại hàng trăm năm nay. Thế nhưng theo thời gian, cùng với sự xuất hiện của nhiều loại vật liệu mới, cùng với sự thay đổi của người tiêu dùng, làng nghề này đang dần mai một.

 

gom-hv100802.jpg
Làng nghề gốm Hòa Vinh quay lại các sản phẩm truyền thống - Ảnh: Q.THUẦN

 

Hiện sản phẩm của làng gốm Trường Thịnh bây giờ vẫn là những vật dụng thông thường như bọng giếng, chát đựng nước, chậu trồng cây cảnh, hỏa lò, nồi đất, ấm sắc thuốc... Các sản phẩm này tiêu tốn nhiều nguyên nhiên liệu, nhưng khó tiêu thụ và mang lại thu nhập thấp... Để tìm hướng khôi phục, phát triển các làng gốm ở Phú Yên nói chung và làng gốm Trường Thịnh nói riêng, năm 2006 Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương Phú Yên) triển khai dự án khôi phục và phát triển nghề gốm đất nung trên địa bàn tỉnh. Dự án đưa một số lao động của làng gốm Trường Thịnh đào tạo nâng cao tay nghề tại cơ sở gốm đất nung mỹ nghệ Lê Đức Hạ (Quảng Nam). Chi phí đào tạo trích từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Dự án nhằm khôi phục làng nghề theo hướng sản xuất sản phẩm mỹ nghệ, vừa khai thác tiềm năng của địa phương, vừa tiết kiệm nguyên liệu đất sét, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập của người làm nghề. Sản phẩm làm ra phục vụ trang trí nội-ngoại thất, làm quà lưu niệm.

 

Theo Sở Công Thương Phú Yên, Doanh nghiệp tư nhân Đại Hưng Phát (TP Tuy Hòa) chuyên gia công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ ốc trên nền các chất liệu từ hàng mỹ nghệ gốm đất nung, sứ, cao lanh... làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm gốm mỹ nghệ cho các làng nghề. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp này phát triển thành doanh nghiệp hạt nhân làm động lực cho làng nghề gốm phát triển, sản phẩm là nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp, không phải mua từ các tỉnh khác. Chị Trần Thị Chiên, một nghệ nhân ở làng gốm Trường Thịnh sau khi tham gia khóa đào tạo nghề gốm tại cơ sở gốm đất nung mỹ nghệ Lê Đức Hạ, đã cho ra lò nhiều sản phẩm do chính tay chị làm ra. Sản phẩm được đưa đi tham dự ở nhiều hội chợ, tiêu thụ thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Chị Chiên tâm sự: “Dự án là sự kỳ vọng mở ra con đường sống cho làng nghề đang đứng trước nguy cơ xóa sổ. Tôi, con tôi và những nghệ nhân trong làng đều tham gia dự án, với hy vọng phát triển nghề truyền thống của cha ông để lại”.

 

Dù sản phẩm làm ra được tiêu thụ mạnh, thu nhập cao hơn so với các sản phẩm truyền thống của làng nghề. Thế nhưng, hiện nhiều nghệ nhân của làng gốm Trường Thịnh đành phải quay lưng lại với các sản phẩm gốm mỹ nghệ, trở lại với các sản phẩm truyền thống, hoặc bỏ làng tìm đến các thành phố lớn để mưu sinh. Theo các nghệ nhân, nguyên nhân họ không mặn mà với các sản phảm mới là do chi phí đầu tư cao, khâu đúc khuôn phức tạp, sân bãi phục vụ sản xuất đòi hỏi rộng, nguồn đất sét dồi dào... Tất cả đều nằm ngoài khả năng họ. Bà Nguyễn Thị Sen, ở làng gốm Trường Thịnh buồn rầu nói: “Để làm ra được sản phẩm gốm mỹ nghệ đòi hỏi vốn lớn, có khi lên hàng trăm triệu đồng, trong khi đa phần người làm nghề ở đây đều thuộc diện khó khăn. Không sống được với nghề, trai tráng trong làng đã bỏ đi nơi khác làm ăn, chỉ còn lại người già làm nghề thôi”. Khó sống được với các sản phẩm mới, một số nghệ nhân ở làng gốm Trường Thịnh quay trở lại làm các sản phẩm truyền thống như bọng giếng, chát đựng nước, chậu trồng cây cảnh, hỏa lò, nồi đất, ấm sắc thuốc... như thời cha ông đã làm cách đây hàng trăm năm, tiêu thụ thị trường trong tỉnh. Với các sản phẩm truyền thống, thu nhập của người làm nghề chỉ 30.000-40.000 đồng/ngày/người. Nghệ nhân Trần Văn Tẩn cho biết, khoảng thu nhập này chẳng thấm vào đâu, nhưng vì yêu nghề của cha ông để lại nên phải cố gìn giữ.

 

gom-hv-100802.jpg

Chị Chiên hoàn tất sản phẩm gốm mỹ nghệ trước khi đưa ra thị trường - Ảnh: Q.THUẦN

 

Chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ của chị Trần Thị Chiên, người duy nhất trong làng gốm Trường Thịnh còn bám trụ với sản phẩm gốm mỹ nghệ. Thế nhưng, cơ sở sản xuất đồ gồm mỹ nghệ của chị Chiên ngày nào bây giờ là bãi đất trống, lò đun cũng đã sập, mọi hoạt động sản xuất co cụm trong hiên nhà với vài sản phẩm. Chị Chiên cho biết: Bây giờ không còn sản xuất đại trà như trước đây nữa, chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng quy mô nhỏ. Lý do khuôn mẫu để đúc ra sản phẩm gốm mỹ nghệ đã bị hư hỏng gần hết trong trận bão lũ cuối năm 2009, nguồn đất sét khan hiếm. “Muốn sản xuất quy mô lớn thì phải có vốn, mà lấy đâu ra vốn để tái sản xuất bây giờ”, chị Chiên bộc bạch. 

 

Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Vinh cho biết: Làng gốm Trường Thịnh tồn tại hàng trăm năm nay. Mấy năm gần đây dù được Nhà nước đầu tư mở rộng làng nghề, đa dạng sản phẩm, thế nhưng vẫn không nhiều nghệ nhân sống được với nghề. Nếu cứ tiếp tục cái đà này, không biết làng nghề trăm năm tuổi này còn “sống” được bao nhiêu năm nữa?!

 

NGUYỄN QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek