Trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện lực liên tục tiết giảm lượng điện tiêu thụ để đảm bảo vận hành lưới điện quốc gia là việc thường tình, có thể thông cảm. Thế nhưng, việc người dân đã thanh toán đủ tiền điện nhưng lại bị cắt điện thì không thể nào chấp nhận.
Ông Trần Ngọc Quyền, hộ kinh doanh hải sản đông lạnh ở thôn Phú Hiệp 2 bức xúc khi nguồn điện không ổn định, cắt điện không báo trước - Ảnh: T.QUỚI
Sự việc xảy ra vào khoảng 9g sáng 29/7 tại khu vực thôn Phú Hiệp 3 (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa)… khi hàng trăm hộ dân thuộc phạm vi phân phối trạm biến áp 415 nháo nhào vì bỗng dưng cúp điện mà không được thông báo trước. Tiếp đến, 15g cùng ngày, hàng trăm hộ sử dụng điện khác thôn Phú Hiệp 3, Phú Hiệp 2 thuộc phạm vi phân phối điện trạm biến áp 414 cũng bị cắt điện mà không được thông báo trước khiến các hoạt động sinh hoạt sản xuất bị đình trệ, gây thiệt hại không ít cho doanh nghiệp.
Ông Trần Kim, chủ một cơ sở sản xuất nước đá ở thôn Phú Hiệp 2, xã Hòa Hiệp Trung, cho biết: “Mỗi ngày, cơ sở của tôi sản xuất khoảng 130 cây đá. Vì điện cúp qua đêm nên đá bị tan chảy, tôi phải mua đá ở nơi khác với giá 12.000 đồng/cây và bán lại với giá 7.000 đồng/cây cho bạn hàng. Tính ra thiệt hại gần 3 triệu đồng”. Còn ông Nguyễn Minh Trí, hộ kinh doanh hải sản đông lạnh thì bức xúc: “Cúp điện đột ngột làm hàng trong kho lạnh không thể xuất hàng theo hợp đồng của khách hàng, tôi phải chạy máy nổ chứ không là hư hết hàng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân cúp điện nhiều giờ liền ở thôn Phú Hiệp 3, Phú Hiệp 2 (Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa) không phải do Điện lực Đông Hòa sa thải do thiếu nguồn điện quốc gia hay sửa chữa lưới điện mà vì Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh-dịch vụ Hòa Hiệp Trung không trả tiền điện đúng hạn. Điều này được ông Trần Thu Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh-dịch vụ Hòa Hiệp Trung và ông Đặng Công Danh Phó Giám đốc Điện lực Đông Hòa xác nhận.
Theo ông Trần Thu Anh, Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh-dịch vụ Hòa Hiệp Trung mới chỉ thiếu tiền điện tháng 7/2010 với Điện lực Đông Hòa 184 triệu đồng. Nguyên nhân là khách hàng dùng điện của Hợp tác xã quá đông (gần 4000 khách hàng), lực lượng thu tiền “mỏng” nên thu chưa kịp để trả cho Điện lực Đông Hòa theo hợp đồng (số tiền mà khách hàng nợ Hợp tác xã lên đến 250 triệu). Những tháng trước, sở dĩ Hợp tác xã nộp đúng kỳ là nhờ linh động ứng các nguồn vốn khác trả trước rồi bù sau.
Trong khi đó, theo ông Đặng Công Danh, Phó Giám đốc Điện lực Đông Hòa, Điện lực Đông Hòa đã thực hiện đúng theo các điều khoản hợp đồng mua bán điện với HTX Nông nghiệp kinh doanh-dịch vụ Hòa Hiệp Trung là: Ngừng cấp điện khi đã thông báo hóa đơn tiền điện và lệnh cắt điện lần thứ 3 đến bên mua điện. Ông Danh cho biết thêm: Chúng tôi đã thông báo hóa đơn tiền điện và lệnh cắt điện lần thứ 3 là ngày 29/7 đến Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh-dịch vụ Hòa Hiệp Trung, nhưng Hợp tác xã không trả đủ tiền, cũng không liên hệ để ký nợ; gọi điện cho Chủ nhiệm Hợp tác xã thì không liên lạc được. Thế nên, 9g sáng 29/7, Điện lực Đông Hòa buộc phải cắt điện (nhưng chỉ cắt thăm dò 1 trạm) để nhắc Hợp tác xã đóng tiền điện. Đến 15g chiều 29/7 Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh-dịch vụ Hòa Hiệp Trung vẫn không liên lạc với Điện lực Đông Hòa để ký nợ, nên bị cắt thêm trạm thứ hai.
Đến 9g40 sáng 30/7, khi Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh-dịch vụ Hòa Hiệp Trung, Trần Thu Anh làm thủ tục ký nhận nợ với Điện lực Đông Hòa thì điện được đóng lại cho khách hàng sử dụng.
Nguyên nhân bị cắt điện thì đã rõ. Vấn đề nhiều người dân bức xức là họ đã nộp tiền đủ cho Hợp tác xã nhưng vì sao bị cắt điện với lý do nợ tiền Điện lực? Thứ hai, nếu cắt điện đúng như nguyên nhân trên thì cần xem lại thái độ, quan hệ khách hàng giữa Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh-dịch vụ Hòa Hiệp Trung và Điện lực Đông Hòa, chứ không lẽ vì hai bên thiếu tiền nhau mà bắt người dân (khách hàng dùng điện) phải chịu thiệt hại, cắt điện oan?
Được biết, lâu nay tình trạng cúp điện vì lý do như trên không phải lần đầu và Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh-dịch vụ Hòa Hiệp Trung không phải là duy nhất. Từ sự việc trên có thể thấy, việc các Hợp tác xã kinh doanh điện hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Khách hàng dùng điện hoàn toàn không được hưởng lợi từ những dịch vụ trực tiếp của ngành điện, không được sử dụng nguồn điện ổn định… Hơn nữa, việc các Hợp tác xã kinh doanh buôn bán điện dẫn đến một thực tế là tổn thất điện năng rất lớn (từ 25-30%), do công tác bảo trì sửa chữa đầu tư nâng cấp không được quan tâm. Hoặc nếu có thì cũng không đủ nguồn lực tài chính (chủ yếu là trích một phần lợi nhuận và kêu gọi nhân dân đóng góp).
Hiện tại, Công ty Điện lực Phú Yên mới chỉ bán lẻ trực tiếp đến 92 xã, phường, thị trấn với 120.652 khách hàng, còn đến 43 tổ chức mua buôn điện để bán lẻ đến 80.675 hộ ở 34 xã. Công ty Điện lực Phú Yên đang nỗ lực tiếp nhận lưới điện để bán lẻ trực tiếp đến từng hộ dân, thế nhưng vấn đề này đang gặp không ít vướng mắc do phía các Hợp tác xã chưa thống nhất bàn giao.
TRẦN QUỚI – LÊ HẢO