Thứ Tư, 09/10/2024 12:22 CH
Cây rừng ”bỗng dưng có chủ”
Thứ Bảy, 17/04/2010 07:25 SA

Tình trạng khai thác cây cảnh từ rừng trên địa bàn huyện Sông Hinh đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hiện ngành chức năng ở địa phương này đang triển khai nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng “chảy máu” cây rừng.

 

goc-100417.jpg
Một cây lộc vừng bị đánh dấu “sở hữu chủ”

 

VÀO RỪNG “XÍ” CÂY

 

Dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi theo chân ông bạn tên Hưng từng làm nghề đào cây cảnh, nay đã giải nghệ, vượt hàng chục cây số đường đèo dốc, đất đá lởm chởm đến suối Buôn Chung thuộc xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) để “mục sở thị” về tình trạng “xí phần” cây cảnh. Sau khi đến khu vực suối Buôn Chung, chúng tôi  nghỉ mệt 15 phút rồi tiếp tục cuộc hành trình ngược con suối này. Đúng như phản ánh của người dân nơi đây, nhiều cây xanh lớn, nhỏ đang đứng sừng sững giữa rừng bỗng dưng… có chủ. Ông Hưng chỉ tay vào một cây xanh được đánh dấu, nói: “Không nên đụng vào cây này, sẽ bị người ta bắt đền đấy!”. Tiến lại gần hơn, chúng tôi phát hiện trên thân cây này có một dấu nhân được khắc bằng rựa. Ngoài dấu khắc này, chúng tôi còn phát hiện có một sợi dây quấn quanh gốc cây. Đây là một loại dây leo trong rừng, được cột thành hai vòng và có mối gút rất chắc chắn. Tiếp tục vượt suối khoảng hơn bốn cây số, chúng tôi chứng kiến gần cả trăm cây xanh như thế được đánh dấu cẩn thận… Khi quay trở ra bìa rừng thì gặp ông Ma Rái. Đem chuyện làm dấu trên thân cây ra hỏi, Ma Rái giải thích: “Đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi muốn làm nhà thì phải vào rừng chọn những cây thẳng, nhưng cây đó phải có tên tuổi thì mới chặt. Nếu cây còn non, đồng bào chúng tôi dùng rựa khắc lên cây và dùng dây rừng cột lại, xem như cây này đã có chủ. Đợi đến khi nào đủ lớn, gỗ chắc thì chặt về làm nhà”. Nhưng theo quan sát, những cây được đánh dấu mà chúng tôi thấy hầu hết không phải danh mộc mà bà con dân tộc dùng để làm nhà, những cây này không được thẳng, gốc cây xù xì và đa số cây lộc vừng.

 

goc1-100417.jpg
Cột dây vào gốc cây để khẳng định “cây đã có chủ”

 

Ông Hưng cho biết, ngoài kiểu đánh dấu cây rừng đã kể, còn có một kiểu đánh dấu khác nữa của người Kinh nhưng phải vào sâu trong rừng hơn nữa. Vậy là chúng tôi tiếp tục lên đường. Khoảng hơn một giờ vừa đi xe máy, vừa đi bộ leo núi, chúng tôi mới tiếp cận được khu rừng giáp ranh hai xã Ea Bar và Ea Lâm (huyện Sông Hinh). Lần theo một con suối  đã khô nước mà người dân ở đây gọi là suối Trại Bò, chỉ khoảng ba cây số đi bộ, chúng tôi tận mắt chứng kiến vài chục gốc cây cổ thụ bị chặt hạ không thương tiếc chỉ còn trơ trọi bộ gốc, phơi trần, nứt nẻ bởi cái nắng đầu mùa khô. Dọc hai bên bờ suối này, các cây xanh có đường kính lớn còn sót lại như lộc vừng, sanh, si… được dân chơi cây cảnh đánh dấu bằng sơn đỏ, thể hiện “chủ quyền”. Ông Hưng tiết lộ: Tình trạng đánh dấu bằng cách sơn lên cây ngay trong rừng đã diễn ra nửa năm nay. Những dấu hiệu được đánh lên thân cây chỉ có những người trong nghề mới biết là của ai. Có nhiều cây được cho là “hàng độc” thì họ còn sơn cả tên và số điện thoại lên cây. Nhưng những cây này rất hiếm, nếu tồn tại hôm trước thì hôm sau họ đào ngay, không để lâu được vì giá trị có khi lên đến hàng trăm triệu đồng.

 

“LÀM THỦ TỤC” CHO CÂY CẢNH...HẠ SƠN

 

Việc mua bán cây cảnh loại đại thụ đang diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Dân tìm cây cảnh chỉ có việc vào rừng đánh dấu “xí phần”, chụp ảnh cây, dân chơi cây cảnh có nhu cầu mua sẽ cung cấp một bộ ảnh, nếu ưng ý cùng vào rừng xem cây rồi ngã giá. Có nhiều cách mua bán, như mua đứt bán đoạn hay mua đến một công đoạn nào đó theo giá thỏa thuận và được “lo thủ tục” hạ sơn cây cảnh từ A đến Z. Người mua chỉ việc chồng tiền đủ theo giá thỏa thuận là xong. Ông Hưng tiết lộ: Để vận chuyển được cây xanh đi nơi khác, họ đã chuyển qua hình thức “thí tốt, bắt xe”. Nghĩa là cố tình để lực lượng kiểm lâm bắt giữ, rồi thanh lý nhanh gọn trong thời gian ngắn để có đầy đủ thủ tục vận chuyển đi tiêu thụ… Mới nghe thì vô lý, nhưng tìm hiểu kỹ các văn bản pháp luật đúng là một chiêu “lách” luật. Tại Điều 43, Nghị định 99/2009 của Chính phủ quy định về xử lý tang vật quy định: “Đối với tang vật là vật phẩm tươi sống, động vật rừng bị yếu, bị thương không thuộc nhóm IB hoặc lâm sản khác còn tươi không thuộc nhóm IA thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay theo giá quy định… Trường hợp người vi phạm tự nguyện nộp tiền bằng giá trị lâm sản tịch thu thì người có thẩm quyền xử phạt thu tiền, nộp Kho bạc Nhà nước và giao lại lâm sản bị tịch thu…”. Đa số cây xanh khai thác bán làm cảnh không phải các loại lâm sản thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nên hội đồng định giá bán đấu giá tài sản chỉ có thể tịch thu và căn cứ vào khối lượng, nhóm gỗ… để định giá bán. Chính điều này khiến nhiều cây xanh khi đưa ra hội đồng định giá chỉ vài triệu, trong khi giá trị thật của nó trên thị trường có khi hàng trăm triệu đồng. Nếu tính chi phí thuê công đào, vận chuyển, nộp phạt… chẳng thấm gì so với lợi nhuận mà họ kiếm được.

 

goc2-100417.jpg

Gốc cây cổ thụ còn lại sau khi bị chặt hạ ở suối Trại Bò

 

Ông Trần Duy Tấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh, cho biết: “Tình trạng khai thác cây cảnh tại các khu vực rừng trên địa bàn huyện đang diễn ra hết sức phức tạp. Bọn lâm tặc bất chấp sự kiểm soát gắt gao của lực lượng kiểm lâm và lực lượng liên ngành vẫn lén lút khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép. Để hạn chế việc bán ngay cây cảnh từ rừng sau khi tịch thu, Hạt Kiểm lâm huyện đang tổ chức trồng và thuê người chăm sóc, sau một thời gian sẽ bán đấu giá”.

 

NHÓM PV KINH TẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek