Được đánh giá là địa phương có tiềm năng tài nguyên khoáng sản lớn, đa dạng, Sông Hinh được nhiều nhà đầu tư chú ý. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện gần đây còn có những bất cập, vừa cản trở hoạt động doanh nghiệp vừa thất thoát nguồn tài nguyên.
Một mỏ đá ốp lát ở Đức Bình Đông do Công ty TNHH Hòa Vinh khai thác - Ảnh: N.T |
CẤP PHÉP CHỒNG CHÉO
Theo quy hoạch khoáng sản của tỉnh Phú Yên, huyện miền núi Sông Hinh có nguồn khoáng sản khá đa dạng như vàng sa khoáng, felspat, đá granite, đá xây dựng, cát, đất sét… Với nguồn tài nguyên đó, huyện Sông Hinh đã được UBND tỉnh cấp 13 giấy phép khai thác khoáng sản; 2 giấy phép thăm dò, khảo sát khoáng sản. Bên cạnh đó còn có 5 dự án đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư khai thác và một dự án thỏa thuận địa điểm đầu tư. Ngoài một số giấy phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, các giấy phép còn lại tập trung vào thăm dò, khai thác đá granit để chế biến đá ốp lát phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Tiềm năng khoáng sản của huyện được khai thác là điều đáng mừng, song qua việc cấp giấy phép đã cho thấy những bất cập. Có doanh nghiệp cùng lúc khai thác nhiều vị trí mỏ khác nhau nhưng lại có doanh nghiệp thiếu nguyên liệu hoạt động. Công ty TNHH Hòa Vinh có nhà máy chế biến đá ốp lát công suất 70.000 m2/ngày đặt tại KCN Hòa Hiệp được khai thác 4 mỏ đá ốp lát tại buôn Thứ, buôn Chung (Ea Bar), Hòn Gọp, Suối Châu (Đức Bình Đông). Trong khi đó, Công ty cổ phần Khai thác và chế biến khoáng sản Hùng Dũng có nhà máy chế biến đá ốp lát với công suất 100.000 m2/năm đặt tại thôn Tân An (Ea Bar) lại không có nguyên liệu hoạt động. Công ty này đã có tờ trình gửi UBND tỉnh cho phép khai thác đá granit tại buôn Chung (Ea Bar) và Tân Lập (Đức Bình Đông) nhưng chỉ được UBND tỉnh chấp thuận cho khai thác lấy mẫu thử nghiệm mỏ đá buôn Chung. Qua đánh giá địa chất, chất lượng, màu sắc đá tại mỏ buôn Chung không phù hợp nên công ty dừng khai thác. Trong khi chờ UBND tỉnh chấp thuận khai thác thử nghiệm mỏ đá Tân Lập thì công ty bất ngờ nhận được công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên, cho biết: ngày 15/10/2009, UBND tỉnh có thông báo cho phép Công ty TNHH Thuận Thành (Bình Định) thăm dò khoáng sản tại vị trí này (theo tờ trình của Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Yên). Giám đốc Công ty cổ phần Khai thác và chế biến khoáng sản Hùng Dũng, Nguyễn Khoa bức xúc, giải bày: “Nhà máy đầu tư hàng chục tỉ đồng, thiếu nguyên liệu hoạt động mà không được quan tâm giúp đỡ, lại ủng hộ cho nhà đầu tư ngoài tỉnh mà dự án chưa rõ ràng”.
Việc cho phép thực hiện dự án đầu tư còn chồng chéo đó do chưa có được sự thống nhất của ngành chuyên môn không chỉ trường hợp trên. Công ty cổ phần Viet Mining được UBND tỉnh cho phép lập thủ tục chuẩn bị đầu tư khai thác vàng bạc trên địa bàn các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh (Thông báo số 470/TB- UBND ngày 19/8/2009) mặc dù trước đó Sở Công Thương Phú Yên đã có ý kiến đề nghị nên cho phép công ty này đầu tư ở địa bàn huyện Sơn Hòa vì địa bàn huyện Sông Hinh đã có dự án của Công ty TNHH Liên doanh khoáng sản Chúng Thao Hằng Tân.
THỦ TỤC KÉO DÀI, THẤT THOÁT NGUỒN THU
Trong thời gian qua, việc khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Sông Hinh diễn ra rất phức tạp. Không chỉ vàng sa khoáng ở Suối Pháp (Sông Hinh) và Mả Vôi (Đức Bình Tây) mà đến vật liệu xây dựng thông thường như đá, cát cũng bị khai thác trái phép, gây thất thoát tài nguyên.
Được UBND xã Đức Bình Đông (Sông Hinh) hợp đồng cải tạo đất trồng hoa màu ven sông Ba, ông Nguyễn Hữu Luật lợi dụng việc này, dùng máy ủi, máy đào khai thác cát bán cho các tổ chức, cá nhân để thu lợi, bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên phạt 10 triệu đồng. Công ty cổ phần đá ốp lát An Lộc (TP Tuy Hòa) mới được UBND tỉnh cấp phép thăm dò nhưng đã “tranh thủ” khai thác đá ốp lát, bị ngành chức năng phát hiện, phạt 10 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải trường hợp xử phạt nào cũng được doanh nghiệp “tâm phục, khẩu phục”. Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa trúng thầu thi công trục miền tây qua địa phận huyện Sông Hinh, có lập dự án khai thác đá làm vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng công trình này. Do tính cấp bách của dự án, trong khi chờ cấp có thẩm quyền cấp phép, công ty “xé rào” khai thác đá để đẩy nhanh tiến độ thi công, bị ngành chức năng “thổi còi” phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng. Điều đáng nói, đến nay gói thầu đã hoàn thành trên tuyến ĐT 649, song thủ tục khai thác đá vẫn chưa được cấp phép. Tương tự như vậy, ngày 28/1/2010, ngành chức năng xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Xây dựng Rạng Đông (Đắk Lắk) về hành vi khai thác khoáng sản trái phép khi thi công xây dựng cầu Ea Ly trên địa bàn huyện Sông Hinh. Thế nhưng, khi quyết định xử phạt đến tay công ty này thì công trình đã hoàn thành và họ đã “rút quân” nên Nhà nước chẳng những không thu được tiền phạt mà cả thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản cũng không thu được.
Ông Hoa Minh Châu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sông Hinh cho rằng, việc cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản của cấp trên không kịp thời, kéo dài làm cho công tác quản lý khó khăn và không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Ông Hoa còn cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều công trình lớn đang thi công như thủy điện Krông H’năng, hệ thống thủy lợi sau Thủy điện Sông Hinh, nhu cầu cát xây dựng rất lớn nhưng không có mỏ, không cấp phép khai thác, vậy cát khai thác ở đâu? Nhà nước không quản lý được nên thất thoát nguồn thu là điều không tránh khỏi.
NGUYÊN TRƯỜNG