Kỳ họp Quốc hội khóa XII sắp tới dự kiến sẽ xem xét và thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đợt lấy ý kiến góp ý hai dự án luật này hồi cuối tháng 3 vừa qua, đồng chí Trịnh Thị Nga, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết, trong quá trình xây dựng hai dự án luật này có ý kiến cho rằng, không nên quy định về lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết thị trường tiền tệ bằng công cụ chính sách như lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn...
Kiểm đếm tiền tại Agribank Phú Yên - Ảnh: Q.THUẦN
Bộ luật Dân sự quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố (Điều 476). Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước quy định: Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố bao gồm lãi suất để thực hiện chính sách tiền tệ và lãi suất để áp dụng cho các giao dịch dân sự (Điều 7).
Các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện lãi suất thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường, Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng cách quy định lãi suất cụ thể để cho các tổ chức tín dụng thực hiện khi có diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ. Ngoài ra có ý kiến đề nghị cần tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để bảo đảm nguyên tắc Nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ, làm cơ sở cho việc thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác.
Hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đều cho rằng, để hạn chế và xử lý tình trạng cho vay nặng lãi trong nội bộ dân cư, pháp luật cần bổ sung quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng quy mô lớn tại thời điểm phát sinh giao dịch dân sự”. Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh và công bố lãi suất cơ bản phù hợp với diễn biến mặt bằng lãi suất trên thị trường. Như vậy, sẽ dung hòa giữa quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cơ bản, làm cơ sở giải quyết tranh chấp lãi suất cho vay trong các giao dịch dân sự của cộng đồng dân cư.
Đại diện chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho biết, hai dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sắp tới. Vấn đề lãi suất được phân tích theo hướng không nên áp dụng thống nhất một loại lãi suất cho cả hoạt động ngân hàng và giao dịch dân sự khác. Bởi, hoạt động ngân hàng là hoạt động chính thức của các tổ chức tín dụng được cấp phép hợp pháp, được kiểm soát chặt chẽ bao gồm cả kiểm soát nội bộ và sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng được thực hiện công khai và cạnh tranh trên cơ sở thị trường. Do đó, lãi suất do các tổ chức tín dụng công bố là lãi suất được thỏa thuận với khách hàng, trong phạm vi điều tiết của Ngân hàng Nhà nước thông qua các công cụ chính sách tiền tệ. Trong khi đó, hoạt động cho vay trong khu vực dân cư có tính chất vay mượn nhỏ lẻ, không chính thức, không công khai, khó có sự giám sát chặt chẽ thường xuyên của các cơ quan quản lý, do vậy cần phải quy định trần lãi suất để quản lý khu vực này. Ngoài ra, các giao dịch dân sự khác như hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ; hợp đồng cho thuê, cho mượn tài sản... nếu không có thỏa thuận trước lãi suất, khi phát sinh tranh chấp cần có một mức lãi suất mang tính pháp lý, do một cơ quan quản lý Nhà nước công bố để áp dụng. Do vậy, đề nghị cần giữ quy định về lãi suất cơ bản đã được xây dựng trong dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước.
NGUYỄN QUANG