Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Để chuẩn hóa các hoạt động này Chính phủ đã ban hành Nghị định về quản lý không gian, kiến trúc và cảnh quan đô thị với nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất trong quản lý từ không gian tổng thể đô thị đến không gian cụ thể thuộc đô thị.
Nghị định gồm 6 chương và 37 điều, có hiệu lực từ ngày 25/5/2010, đã quy định chặt chẽ, chi tiết các yếu tố liên quan đến tạo cảnh quan không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Nghị định quy định rõ, các công trình công cộng có quy mô lớn, công trình có yêu cầu kiến trúc đặc thù, có ý nghĩa và vị trí quan trọng trong đô thị thì phải thực hiện việc thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc theo quy định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng. Khuyến khích việc tổ chức thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc đối với các công trình khác trong đô thị.
KHÔNG CHIẾM DỤNG TRÁI PHÉP KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ
Cùng với đó, việc quản lý không gian đô thị theo các khu vực cơ bản sau: khu vực đô thị mới phát triển, khu vực bảo tồn; khu vực khác của đô thị; khu vực giáp ranh nội, ngoại thị. Kết hợp điều kiện địa hình, hệ thống cây xanh, mặt nước, giao thông hiện có tạo ra không gian kết nối liên thông trong đô thị, thông gió tự nhiên và cải thiện môi trường đô thị.
Các công trình xây dựng phải có hình thức kiến trúc, màu sắc, vật liệu sử dụng tuân thủ theo quy chế của khu vực. Khuyến khích xây dựng các khu đô thị mới kiểu mẫu.
Đáng chú ý là các công trình kiến trúc trong đô thị không được chiếm dụng trái phép không gian đô thị nhằm mục đích tăng diện tích sử dụng công trình. Mặt ngoài công trình kiến trúc đô thị không được sử dụng màu sắc, vật liệu gây ảnh hưởng tới thị giác, sức khỏe con người, yêu cầu về vệ sinh và an toàn giao thông.
GIỮ NGUYÊN TRẠNG NHÀ Ở TRONG DANH MỤC BẢO TỒN
Nhà ở tại các khu phố cũ, biệt thự, nhà vườn có khuôn viên riêng trong đô thị có trong danh mục bảo tồn phải giữ gìn hình ảnh nguyên trạng, đảm bảo mật độ xây dựng, số tầng, độ cao và kiểu dáng kiến trúc. Nhà ở tại các khu phố cổ có giá trị kiến trúc đặc trưng hoặc đã được xếp hạng về lịch sử, văn hóa thì chính quyền đô thị phải tổ chức nghiên cứu, đánh giá và có giải pháp bảo tồn.
Đối với nhà chung cư, nhà tập thể đã quá niên hạn sử dụng, đã xuống cấp thuộc danh mục nhà nguy hiểm, chính quyền đô thị phải có phương án di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, cải tạo, xây dựng mới theo quy hoạch.
NGẦM HÓA TOÀN BỘ DÂY VIỄN THÔNG, DÂY CẤP ĐIỆN
Chính quyền đô thị phải có biện pháp cải tạo hoặc xây mới thay thế các trạm biến thế ảnh hưởng mỹ quan và an toàn. Dây cấp điện trong đô thị phải được bố trí hợp lý trên nguyên tắc thay dây trần bằng dây có bọc cách điện, tiến tới ngầm hóa toàn bộ.
Dây điện thoại, dây thông tin, truyền hình cáp, internet phải được thay thế bằng tổ hợp dây có cùng tính năng kỹ thuật; xây dựng kế hoạch dỡ bỏ các thiết bị và đường dây không còn sử dụng, tiến tới ngầm hóa toàn bộ.
Và việc thực hiện nghiêm túc các quy định này, hẳn sẽ góp phần xây dựng nên những đô thị mới văn minh, xanh - sạch - đẹp.
Theo chinhphu.vn