Sự phát triển của ngành Nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng đến việc nâng cao đời sống nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn Phú Yên. Qua 35 năm xây dựng, phát triển, nông nghiệp, nông thôn Phú Yên đã đạt được những kết quả khá toàn diện, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh.
Máy gặt đập liên hợp trên đồng lúa Tuy Hòa. - Ảnh: N.LƯU
Từ chỗ còn thiếu trầm trọng lương thực trong những năm đầu sau giải phóng, hiện nay mỗi năm Phú Yên đạt sản lượng lương thực ổn định 32-33 vạn tấn. Đồng bằng Tuy Hòa – đồng bằng lớn nhất miền Trung ngày càng phát triển trù phú. Hệ thống thủy nông Đồng Cam tưới ăn chắc cho hơn 35.000ha lúa mỗi năm, kết hợp với các giải pháp hỗ trợ về sản xuất như đưa các chương trình thâm canh tăng năng suất xuống đồng ruộng đã làm nên những mùa vàng bội thu. Riêng năm 2010, dự kiến sản lượng lương thực Phú Yên đạt 32,5 vạn tấn, tăng 196.000 tấn so với năm 1976. Tính chung giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp năm 2010 của Phú Yên đã tăng gấp 5,8 lần so với năm 1976 và tốc độ tăng bình quân 5 năm đạt 3,3%. Ông Phạm Văn Yên, Trưởng phòng Quy hoạch - Kế hoạch Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Yên, nói: “Có thể thấy thành quả trước hết là cây lúa. Từ một địa phương có năng suất lúa bấp bênh, nhờ ổn định diện tích tưới ăn chắc, cộng với hỗ trợ của Nhà nước trong công tác khuyến nông, đặc biệt là giống và các biện pháp thâm canh tăng năng suất nên cây lúa ở Phú Yên nhìn chung đều được mùa cả hai vụ sản xuất chính trong năm”.
Bên cạnh cây lúa, sự phát triển các cây công nghiệp tập trung như mía, sắn, cao su gắn với các nhà máy chế biến ổn định đã giúp nông dân các huyện miền núi có điều kiện phát triển kinh tế. Hiện tại Phú Yên đã có vùng nguyên liệu mía ổn định ở mức 18.500ha, vùng nguyên liệu sắn 13.000ha, 3.000ha cao su, đủ cung cấp nguyên liệu cho ba nhà máy đường và hai nhà máy sắn trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, qua đó giúp ngân sách thu về hàng tỉ đồng và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân ở các huyện miền núi. Sự phát triển các cây công nghiệp gắn với các hoạt động chế biến cũng giúp người nông dân thay đổi tập quán sản xuất và họ đang có xu hướng chuyển sang sản xuất nông sản với quy mô lớn mang tính hàng hóa. Chuyện những nông dân được mệnh danh là “vua mía”, “vua sắn”, “vua tôm” ở Phú Yên với thu nhập vài trăm triệu đồng một năm đã không còn là chuyện hiếm. Nông dân đã bắt đầu thích ứng với cơ chế thị trường, biết tìm tòi những giải pháp sản xuất để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và chấp nhận sự cạnh tranh, biết tự vượt lên để làm chủ nông sản của mình.
Một thành tựu nổi bật khác của ngành Nông nghiệp Phú Yên là thủy sản. Từ năm 1976 đến nay, thủy sản Phú Yên có sự phát triển tích cực cả về khai thác và nuôi trồng. Sản lượng đánh bắt thủy sản năm 2010 dự báo sẽ đạt 34.000 tấn, tăng 4,85 lần so với năm 1976, sản lượng nuôi trồng năm 2010 khả năng đạt 7.000 tấn, trong khi trước năm 1990 hầu như chưa có gì (cụ thể như năm 1976: 10 tấn và năm 1990: 65 tấn). Không chỉ tăng về số lượng mà cả về chất lượng, trong đó có hai nghề được đánh giá mang lại nguồn lợi lớn là câu cá ngừ đại dương và nuôi tôm hùm. Năm 2010 riêng tôm hùm nuôi của Phú Yên đã đạt 500 tấn, cá ngừ đại dương đạt 5.200 tấn, là nghề thủy sản mũi nhọn xếp vào nhóm hàng đầu về sản lượng của nước ta. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Phú Yên đã ăn nên làm ra từ con cá con tôm do ngư dân Phú Yên nuôi trồng và đánh bắt được. Bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Vinh Sâm, cho biết: “Hiện nay rất nhiều khách hàng từ Mỹ, Nhật, Ý muốn sang Việt
Bên cạnh trồng trọt, thủy sản, ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển, trong đó đàn gia súc lớn đạt 193.000 con trâu bò, tăng 2,75 lần so với năm 1976. Lâm nghiệp có chuyển biến tích cực trong quản lý bảo vệ rừng, chất lượng rừng trồng mới được cải thiện, độ che phủ của rừng đạt 34,9%. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, tỉ trọng ngành trồng trọt giảm, chăn nuôi, lâm nghiệp tăng. Nhiều làng nghề được khôi phục và phát triển, duy trì sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông, ngư dân. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; bộ mặt nông thôn thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới.
Những thành quả của nông nghiệp hôm nay là tiền đề quan trọng để Phú Yên có những bước tiến dài hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.
YÊN HÀ