Thứ Năm, 10/10/2024 06:21 SA
Nhiều cơ hội để Đông Hòa phát triển
Thứ Năm, 01/04/2010 09:00 SA

Cùng với tiềm năng, lợi thế hiện có, sự ra đời của Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ là thời cơ mới để Đông Hòa đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa so với nhiều địa phương khác trong tỉnh.

 

vung-ro.jpg

Cảng Vũng Rô nằm trong KTT Nam Phú Yên hoạt động “quá tải” đang đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu phát triển của Khu kinh tế. - Ảnh: N.TRƯỜNG

 

NHIỀU LỢI THẾ

 

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Phú Yên, vùng đất ven biển phía nam tỉnh phần lớn thuộc huyện Đông Hòa, giữ vai trò tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của cả tỉnh. Trong khu vực có những công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng đang được phát huy, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đường ven biển Phước Tân - Bãi Ngà nối KCN Hòa Hiệp với cảng Vũng Rô; cùng ĐT 654 lên Tây Nguyên, có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam với ga hàng hóa Phú Hiệp; cảng tổng hợp Vũng Rô tiếp nhận tàu 3.000DWT đang tiếp tục đầu tư nâng cấp; sân bay Tuy Hòa đang khai thác đường bay Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh, Tuy Hòa - Hà Nội; KCN Hòa Hiệp thu hút nhiều dự án đầu tư, góp phần phát triển công nghiệp Phú Yên. Mặt khác, bờ biển từ Hòa Hiệp Bắc đến Vũng Rô có các bãi biển đẹp hoang sơ như Bãi Tiên, Bãi Môn, Hòn Nưa và các di tích lịch sử, thắng cảnh nổi tiếng như ngọn hải đăng Mũi Điện, Đá Bia, Đập Hàn, Vũng Rô, Biển Hồ… tạo nên một quần thể cảnh quan tự nhiên đặc trưng, thiên nhiên hùng vĩ; cùng với hệ thống sông Đà Rằng, Bàn Thạch là vùng sông nước, cửa biển đa dạng sinh học rất thuận lợi để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Nếu khai thác tốt sẽ là một trong những điểm du lịch đa dạng, thu hút và trung chuyển du khách của miền Trung cũng như cả nước. Bên cạnh đó, trong khu vực còn có điều kiện phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa chất lượng cao, xây dựng các vùng chuyên trồng rau sạch, hoa cây cảnh, khai thác các sông hồ để nuôi trồng thủy hải sản, đánh bắt hải sản biển phục vụ sinh hoạt và du lịch.

 

Với những lợi thế đó, vùng đất này được Chính phủ đưa vào quy hoạch hệ thống các khu kinh tế ven biển của đất nước. Gắn với Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), Khu kinh tế Nam Phú Yên được quy hoạch là khu kinh tế tổng hợp có hạ tầng hiện đại làm động lực phát triển cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ; là cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan. Theo các chuyên gia Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), Khu kinh tế Nam Phú Yên có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp nhờ quỹ đất xây dựng dồi dào; gắn với sự hình thành và phát triển cảng nước sâu Vũng Rô, phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như lọc, hóa dầu và phát triển các khu công nghiệp tập trung với các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp kỹ thuật cao; các ngành công nghiệp phục vụ du lịch và dịch vụ; đồng thời gắn dịch vụ công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu, kết hợp với các dịch vụ hỗ trợ mua bán hàng hóa, phục vụ xuất khẩu, tái xuất khẩu... Phát huy lợi thế về đầu mối giao thông, nơi đây có điều kiện phát triển dịch vụ vận tải, cảng biển, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, tín dụng bảo hiểm, dịch vụ tư vấn công nghệ, tiếp thị, dịch vụ hỗ trợ ngành du lịch như các dịch vụ phục vụ cho hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế. Đó là những điều kiện thuận lợi để vùng đất này được quy hoạch là một khu kinh tế tổng hợp (bao gồm khu thuế quan và khu phi thuế quan), với mô hình: cụm cảng tổng hợp và chuyên dùng, công nghiệp lọc, hóa dầu, công nghiệp đa ngành, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông lâm ngư nghiệp, hình thành một không gian kinh tế độc lập.

 

DỰ BÁO PHÁT TRIỂN NHANH

 

Không phải đến hôm nay, tiềm năng, lợi thế của Đông Hòa mới được khẳng định. Thực tế cho thấy, từ khi Đông Hòa được thành lập (7/2005) đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức trên dưới 15%/năm; GDP bình quân đầu người hiện đạt 15,5 triệu đồng/năm, tăng 2,5 triệu đồng so bình quân chung của tỉnh. Cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực; hiện tại giá trị ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 38,05%, ngành thương mại - dịch vụ chiếm 35,62%, ngành sản xuất nông nghiệp chỉ còn chiếm 26,33% GDP, thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh là 3,77% GDP. Các mặt văn hóa - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đều có những bước cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 9%.

 

Sự phát triển năng động của Đông Hòa còn dễ nhận thấy khi về Hòa Vinh, nơi khởi đầu của đô thị trung tâm Khu kinh tế Nam Phú Yên (có quy mô khoảng 1.450ha với dân số có thể lên đến 50.000 người vào năm 2025). Dọc quốc lộ 1A, ngang qua khu trung tâm hành chính huyện lỵ, bên cạnh hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, hoạt động nhộn nhịp cả ngày đêm đáp ứng nhu cầu dân số đang tăng nhanh, chúng tôi gặp hằng loạt công trình trụ sở, cơ quan nhà nước, trường học xây dựng khang trang làm nên diện mạo mới của một đô thị tương lai. Tại đây đang hình thành trục đường mới rộng 36m mặt bê tông nhựa có dải phân cách trồng cây xanh với vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng để mở rộng thị trấn về hướng tây. Từ Hòa Vinh, hệ thống điện chiếu sáng được nối dài theo những trục đường chính đến trung tâm, khu dân cư tập trung các xã trong huyện.            Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa Nguyễn Văn Thành cho biết: Trên địa bàn huyện không chỉ có những dự án lớn đang khẩn trương triển khai như Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, Nâng cấp, mở rộng cảng Vũng Rô, Hầm đường bộ đèo Cả, Khu trung tâm hành chính và khu dân cư mới Hòa Tâm mà huyện đang tập trung lo công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư mà còn có nhiều dự án đầu tư khác của các doanh nghiệp đăng ký đầu tư như Khu du lịch Hòn Nưa, Thủy điện nhỏ Đập Hàn, Trạm dừng chân quốc lộ 1A, điện gió vùng ven biển… Vấn đề đặt ra cho Đông Hòa là phải tìm cách phát triển công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thương mại - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển đó. Đó cũng là thời cơ tạo điều kiện để Đông Hòa đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

 

BÍ THƯ HUYỆN ỦY ĐÔNG HÒA LÊ HÙNG TẤN:

 

Đối với Đông Hòa, gắn với quy hoạch của tỉnh, chúng tôi đã xác định hình thành các vùng kinh tế theo lợi thế của mỗi vùng. Phía đông huyện, gắn với KCN Hòa Hiệp, cảng Vũng Rô phát triển cụm kinh tế dịch vụ công nghiệp Hòa Hiệp Trung, đồng thời khai thác lợi thế bờ biển với các thắng cảnh, di tích lịch sử phát triển du lịch; Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch và nuôi tôm trên cát ở Hòa Hiệp Bắc; Vùng trọng điểm lúa lâu nay được quy hoạch thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, bảo đảm anh ninh lương thực; Vùng trồng cây màu, cây công nghiệp tập trung ở vùng bãi bồi ven sông Bàn Thạch thuộc xã Hòa Tân Đông, Hòa Xuân Tây, sông Ba thuộc xã Hòa Thành. Từ quy hoạch trên, huyện đang huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện khai thác có hiệu quả hơn nữa tiềm năng của mỗi vùng. Trước mắt, tiếp tục đầu tư xây dựng thị trấn Hòa Vinh, phối hợp với tỉnh xây dựng các tuyến đường huyết mạch Hòa - KCN Hòa Hiệp, Phước Tân - Phú Khê, nâng cấp mở rộng đường Đông Mỹ - Gò Mầm, bến cá Hòa Hiệp Nam….

  

NGUYÊN VÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Phác thảo” đô thị Phú Yên
Thứ Năm, 01/04/2010 07:50 SA
Dấu ấn 10 năm tại Phú Yên
Thứ Tư, 31/03/2010 16:00 CH
Tưởng dễ mà khó
Thứ Tư, 31/03/2010 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek