Thứ Tư, 27/11/2024 05:29 SA
Công nghiệp khát vốn đầu tư
Thứ Ba, 04/07/2006 07:59 SA

Theo Bộ Công nghiệp, tổng nhu cầu vốn cho công nghiệp giai đoạn 2006 -–2010 khoảng 900 nghìn tỷ đồng, chiếm 40% tổng nhu cầu xã hội. Trong khi đó, số vốn huy động từ ngân sách chỉ chiếm 7% và phần còn lại phải do doanh nghiệp tự tìm kiếm. Vì vậy, theo Bộ Công nghiệp, để giải quyết vấn đề này cần đẩy mạnh chương trình đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và tạo dựng môi trường đầu tư tốt để thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước.

 

Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp, trong 5 năm qua, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP có mức tăng ổn định từ 36,7% lên 41%. Tỷ trọng khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm từ 41,8% xuống 34,3% trong khi khu vực ngoài quốc doanh tăng từ 22,3% lên 28,5%; khu vực đầu tư FDI tăng từ 35,9% lên 37,2%.

 

Đặc biệt, trong nội bộ khu vực công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng từ 79,7% lên 84,9% trong khi công nghiệp khai thác giảm từ 13,8% xuống 9,1%. Trong đó, nhiều sản phẩm như than mỏ, điện, xi măng, giấy, phân bón vô cơ, thép xây dựng, sữa đều có những bước tiến vượt bậc.

 

060704-cn.jpg
Từ nay đến năm 2010, ngành công nghiệp Việt Nam cần 900.000 tỷ đồng - Ảnh: VNN

 

TÌM VỐN ĐÁP ỨNG MỤC TIÊU MỚI

 

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2006 – 2010, ngành công nghiệp đặt ra 4 mục tiêu:

 

Thứ nhất, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất bình quân toàn ngành từ 15,2 – 15,5%/năm, tăng trưởng GDP công nghiệp và xây dựng bình quân 9,5 – 10,2%/năm nhằm nâng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP lên 44% vào 2010 như mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Trong đó, cơ cấu công nghiệp quốc doanh giảm từ 34,9%/năm 2005 xuống 31%/năm vào 2010; công nghiệp ngoài quốc doanh tăng từ 28,9%/năm 2005 lên 33%/năm 2010 và tỷ trọng công nghiệp khai khoáng chỉ còn chiếm 7,8% giá trị sản xuất công nghiệp trong khi công nghiệp chế biến chiếm 88,3% giá trị sản xuất toàn ngành.

 

Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn ngành nhằm giữ vững và mở rộng thị trường trong và ngoài nước, chuẩn bị tốt cho hội nhập.

 

Thứ ba, đảm bảo cân đối cung – cầu những sản phẩm trọng yếu cho nền kinh tế, đáp ứng sức mua cả về số lượng, chất lượng và giá cả cho thị trường.

 

Thứ tư, tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu đã qua chế biến, nâng cao hàm lượng công nghệ, đưa tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu chiếm 77 – 80% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, phấn đấu tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu đã qua chế biến lên 65 – 70% vào 2010.

 

Và để đạt được mục tiêu này, theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, từ 2006 – 2010, tổng nhu cầu vốn cho ngành công nghiệp ước 900 nghìn tỷ đồng, chiếm 40% tổng nhu cầu vốn của toàn xã hội, tăng 1,83 lần so với giai đoạn 2001 – 2005.

 

HUY ĐỘNG VỐN BẰNG CÁCH NÀO?

 

Cũng theo Bộ trưởng Hoàng Trung Hải, với nhu cầu vốn lớn như vậy nhưng khả năng đáp ứng từ ngân sách chỉ chiếm không quá 7%. Vì vậy, nếu không có sự năng động, sẽ khó tìm đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư. Theo đó, ngành điện với nhu cầu khoảng 350 nghìn tỷ, sẽ được huy động từ các nguồn đầu tư điện độc lập (IPP) và BOT khoảng 30%; huy động vốn khấu hao cơ bản để lại: 36%; vay ODA: 21% và bán cổ phiếu khoảng 7%. Bên cạnh đó, sẽ phát hành trái phiếu công trình, từng bước CPH các nhà máy điện và kêu gọi đầu tư ngoài quốc doanh đối với đầu tư IPP.

 

Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể giải quyết bài toán vốn nêu trên, cần phải giải quyết tốt một số vấn đề mấu chốt sau:

 

Thứ nhất, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch cùng với việc hoàn thiện dần môi trường đầu tư để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn. Đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ở vùng khó khăn cần có chính sách khuyến khích đầu tư ổn định trên các lĩnh vực mặt bằng, đất đai và tiếp cận nguồn vốn.

 

Thứ hai, nhằm nâng cao hiệu quả dự án, cần phải nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật đầu tư, Luật đấu thầu; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chống tham nhũng, lãng phí tạo niềm tin cho người dân khi tham gia góp vốn đầu tư.

 

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện và phát triển các loại thị trường như thị trường vốn và bất động sản; tăng cường mối liên kết giữa nhà sản xuất và nhà đầu tư vốn.

 

Thứ tư, đối với thu hút nguồn vốn nước ngoài: từng nhóm ngành phải xây dựng và công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư FDI, những ngành nghề đặc thù như ngân hàng, bảo hiểm, hàng không phải quy định rõ tỷ lệ khống chế vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở mức độ phù hợp. Mặt khác, các nguyên tắc đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc phải đạt được phản ứng dây chuyền tích cực: nhà đầu tư trước, lôi kéo nhà đầu tư sau.

Theo VNEConomy

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek