Thứ Hai, 30/09/2024 08:23 SA
KCN Đông Bắc Sông Cầu:
Thực trạng và giải pháp
Thứ Bảy, 24/06/2006 09:16 SA

Trong những năm gần đây, giá trị sản xuất CN - TTCN của Phú Yên nhanh chóng vượt qua ngưỡng cửa 1.000 tỉ đồng, rồi trên 2.000 tỉ đồng, trong đó có sự đóng góp to lớn của các KCN: Hòa Hiệp, An Phú và Đông bắc Sông Cầu. Đây là một nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc sử dụng mô hình dùng vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng tại các KCN để thu hút đầu tư của các DN. Nhờ vậy, KCN Hòa Hiệp đã được Chính phủ duyệt vào top các KCN trong cả nước. KCN Đông bắc Sông Cầu tuy mới đi vào xây dựng từ năm 2003, nhưng tầm phát triển của nó đến năm 2020 là rất to lớn.

 

Theo quy hoạch định hướng phát triển đến năm 2020, KCN Đông bắc Sông Cầu gồm 3 khu vực: Khu vực I (105,8ha), Khu vực II (93ha) và Khu vực III (80ha). Hiện nay, tỉnh đang nghiên cứu mở rộng khoảng 300ha tại các xã Xuân Bình và Xuân Hải.

 

060624-dbsc.jpg

Sản xuất nguyên liệu giấy trong KCN Đông bắc Sông Cầu – Ảnh: D.T.X

 

Với Khu vực I, việc xây dựng nhà máy được phân thành các cụm: chế biến thực phẩm, nước giải khát; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt, da, may, thủ công mỹ nghệ; nhựa, hóa chất, gỗ giấy; cơ khí điện tử. Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Đông bắc Sông Cầu Khu vực I, được UBND tỉnh phê duyệt tại tờ trình số 1742/ngày 14-10-2005, với tổng mức đầu tư 129 tỉ đồng, bằng ba nguồn: vốn ngân sách cấp 60 tỉ, vốn khai thác quỹ đất 39 tỉ và phần còn lại tỉnh bảo lãnh cho chủ đầu tư vay (chủ đầu tư là Công ty đầu tư và phát triển KCN Phú Yên). Đến nay, các hạng mục do ngành điện đầu tư đã cơ bản hoàn thành; các hạng mục do Công ty cấp thoát nước đầu tư đã hoàn thành trạm cấp nước Xuân Bình và đường ống dẫn nước đến KCN, mạng phân phối nước bên trong mới xây dựng được ¼ khối lượng; các hạng mục do ngành Bưu điện đầu tư đang lập dự án (hiện đang sử dụng dây dẫn tạm để đảm bảo thông tin liên lạc cho các dự án).

 

Đặc biệt, các hạng mục do Công ty đầu tư và phát triển KCN Phú Yên đảm nhận đã và đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. KCN Đông bắc Sông Cầu Khu vực I được UBND tỉnh cho phép thực hiện theo cơ chế: Khuyến khích các DN đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) hoặc theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Song, cả hai hình thức này đều không thực hiện được, trong khi đó các nhà đầu tư đã đăng ký dự án và triển khai việc xây dựng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có chủ trương cho triển khai xây dựng một số hạng mục thiết yếu như: san nền toàn bộ Khu vực I có tổng dự toán trên 16,5 tỉ đồng (mới chỉ thanh toán gần 5,5 tỉ); Hạng mục đường nội bộ giai đoạn I (phía tây KCN) có tổng dự toán gần 9,5 tỉ đồng, mới thực hiện được 1/3 khối lượng; các hạng mục: tường rào – nhà thường trực, hệ thống thoát nước mưa, đèn chiếu sáng công cộng đang triển khai thi công.

 

Nguyên nhân của sự chậm trễ nói trên chủ yếu là do thiếu hụt về nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN. Thứ nhất, vốn khai thác từ quỹ đất khu dân cư (KDC) là 39 tỉ đồng, có quy mô 140ha. Trong thực tế, việc hình thành KDC để phục vụ KCN Đông bắc Sông Cầu hiện nay không thể theo kịp tiến độ hình thành KCN nên việc đảm bảo tỉ lệ nguồn vốn này là khó thực hiện. Thứ hai, về vốn ngân sách cấp (60 tỉ) đầu tư trong vòng 4 năm, nhưng đã qua nhiều năm cũng mới cấp xuống 10 tỉ. Vì vậy, để tiếp tục triển khai đầu tư các hạng mục theo nhu cầu sử dụng của các nhà đầu tư, tỉnh cần phải có kế hoạch bố trí vốn lớn và tập trung, tránh dàn trải.

 

Tuy nhiên, thời gian qua tỉnh và BQL các KCN Phú Yên cũng đã có nhiều cố gắng thu hút được 20 dự án đăng ký vào KCN Đông bắc Sông Cầu, với diện tích đăng ký 77,58ha, chiếm 100% đất xây dựng nhà máy (lấp đầy KCN). Tổng vốn đăng ký của 20 dự án là 690,79 tỉ đồng, trong đó có 8 dự án đi vào hoạt động, vốn đăng ký 106,22 tỉ, vốn thực hiện 118,18 tỉ; 7 dự án đang triển khai xây dựng, vốn đăng ký 261,57 tỉ, vốn thực hiện 71,5 tỉ; 5 dự án lớn còn lại chưa xây dựng.

 

Trong 8 dự án đi vào hoạt động tại KCN Đông bắc Sông Cầu, hiện đang rất thiếu nhiều lao động phổ thông. Do vậy, hoạt động SXKD của các DN chưa phát huy hết công suất. Hơn nữa, các dự án này cũng mới chỉ tập trung chủ yếu các ngành chế biến gỗ, sản xuất dâm giống, bao bì carton, phân bón v.v… Qua hơn một năm đi vào hoạt động, 8 dự án này đạt doanh thu gần 70 tỉ đồng, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,5 triệu USD.

 

Việc thực hiện đầu tư KCN Đông bắc Sông Cầu, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế toàn tỉnh nói chung và khu vực Sông Cầu nói riêng theo hướng CNH, tạo điều kiện hình thành đô thị và phát triển kinh tế khu vực phía bắc tỉnh. Riêng KCN Đông bắc Sông Cầu Khu vực I khả năng khai thác còn rất lớn và hiệu quả kinh tế lớn về lâu dài. Theo ông Bùi Ngọc Bình, Trưởng BQL các KCN Phú Yên: Vấn đề cấp thiết hiện nay là tỉnh cần ưu tiên vốn đầu tư hoàn thành toàn bộ đường nội bộ trong KCN Đông bắc Sông Cầu khu vực I và đầu tư cơ sở hạ tầng khu dân cư giai đoạn I. Nếu không tiếp tục đầu tư giai đoạn II của đường nội bộ (mạng đường phía đông KCN) thì một số dự án đang xây dựng không thể triển khai và đi vào hoạt động được.

 

PHI CÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek