Từ khi chuyển sang mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã (HTX) kiểu mới, các HTX nông nghiệp đã thay đổi cung cách làm ăn từ mô hình kinh tế thuần nông sang kết hợp kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên tốc độ phát triển của các HTX vẫn còn chậm mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn đầu tư, trong khi đó thủ tục vay vốn của loại hình kinh tế này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
CÁC HTX KHÓ TIẾP CẬN VỐN NGÂN HÀNG
Trên địa bàn Phú Yên hiện có gần 100 HTX hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tổng hợp, chiếm 2/3 tổng số HTX trong toàn tỉnh. Hầu hết các HTX này đều đang cần vốn để đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Ngoài nhu cầu mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, nhiều HTX còn cần vốn để thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi trồng trọt và chế biến nông sản. Khi xây dựng dự án, các HTX đều nhắm tới mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho xã viên. Thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện dự án mới thấy khó khăn chồng chất. Ông Nguyễn Văn Tấn, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hoà Định Tây 1 (huyện Phú Hoà) bức xúc: “HTX Hoà Định Tây 1 đã nhiều lần làm đơn xin vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn để kinh doanh một số loại vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu, cây, con giống nhưng ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, tài sản duy nhất có thể đem thế chấp tại ngân hàng là trụ sở của HTX lại chưa cấp giấy quyền sử dụng đất. Thế là nhiều năm qua, Ban chủ nhiệm HTX đành “bất lực” nhìn cảnh xã viên trong HTX đi mua vật tư, cây, con giống các tư thương bên ngoài với lãi suất cao gấp nhiều lần”.
Do thiếu vốn, các HTX không thể mở rộng sản xuất kinh doanh - Ảnh: Nguyễn Quang
Ông Trương Ngọc Diệp, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hoà Tân Đông (huyện Đông Hoà) kể: “Vào các năm 2002 và 2003, HTX phải đối mặt với tình trạng nắng hạn kéo dài khiến lúa và hoa màu của nhiều xã viên trong HTX bị chết hàng loạt. Ban chủ nhiệm HTX bàn với nhau là vay vốn ngân hàng 40 triệu đồng để mua máy móc, nhiên liệu tận dụng nguồn nước sông Bàn Thạch để chống hạn, cứu lúa cho xã viên. Tuy nhiên, chúng tôi bị ngân hàng từ chối vì yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Cuối cùng HTX đành phải “vét túi” xã viên huy động được 30 triệu để xoay xở cho qua cơn đại hạn. Từ đó đến nay HTX không đến ngân hàng xin vay một lần nào nữa”. Ông Diệp than thở: “Ai bảo bây giờ đi vay vốn ngân hàng thủ tục rất đơn giản, nhưng tôi thấy khó quá!”.
Đó cũng là tình trạng chung của hầu hết các HTX nông nghiệp ở Phú Yên hiện nay. Do thiếu vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất các HTX phải hoạt động cầm chừng trong vòng lẩn quẩn, “khát vốn” mà không cách nào thoát ra được để cạnh tranh với trong nền kinh tế thị trường.
CÁC HTX NÔNG NGHIỆP TỰ BƯƠN CHẢI
Hiện có đến 98% số HTX nông nghiệp ở Phú Yên đang thiếu vốn. Ngoài số vốn điều lệ mang tính “tượng trưng” ra, các HTX hầu như không có tài sản gì, trừ trụ sở làm việc, sân phơi, máy móc đến phương tiện sản xuất… Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Nguyễn Như Thức cho biết: Tốc độ phát triển của các HTX ở Phú Hòa còn chậm trên nhiều mặt. Ngoài thiếu vốn, chất lượng một số khâu dịch vụ bị giảm sút như khuyến nông, thủy lợi, cày đất, bảo vệ thực vật. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín của HTX khi đi vay vốn tại các ngân hàng.
Theo chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, Nhà nước đã có một số văn bản pháp lý quy định về việc khuyến khích phát triển HTX. Chẳng hạn, theo Nghị định 88/2005/NĐ – CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, các HTX có nhu cầu vay vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh thực hiện các hoạt động dịch vụ phát triển kinh tế và đời sống xã viên thì được các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn và áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay phù hợp với loại hình kinh tế HTX…Ngoài ra, HTX còn được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX…Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Phú Yên hiện dư nợ cho vay của lĩnh vực kinh tế tập thể trên địa bàn chỉ gần 4 tỷ đồng, chiếm tỷ trong 1,7% tổng dư nợ cho vay kinh tế ngoài quốc doanh. Đây là con số quá khiêm tốn so với một lĩnh vực kinh tế có ảnh hưởng tương đối rộng đến nhiều mặt của đời sống người dân, nhất là các vùng nông thôn có hơn 80% dân số thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. “Thực tế, kinh tế HTX nông nghiệp phải tự bươn chải giữa dòng chảy của cơ chế thị trường” – Ông Nguyễn Văn Tấn bức xúc nói.
Theo Liên minh HTX Phú Yên, cho đến nay rất ít HTX được giải quyết cho vay vốn mà không phải thế chấp tài sản. Ngay cả việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một điều kiện thuận lợi để cho các HTX vay vốn cũng mới là chủ trương chung chung chứ chưa có văn bản chỉ đạo chính thức.
Hiện nay trong điều kiện khó khăn về vốn, nhiều Ban chủ nhiệm HTX đã nghĩ cách tự đứng ra thế chấp tài sản của mình để vay vốn ngân hàng. Đây chưa phải là giải pháp tốt vì nếu kinh doanh thuận lợi thì không nói gì, trường hợp thua lỗ thì mọi việc sẽ trở nên phức tạp. Xem ra, việc HTX nông nghiệp “khát vốn” vẫn còn diễn ra dài dài và không biết đến bao giờ giải quyết được.
NGUYỄN QUANG