Thứ Hai, 30/09/2024 10:29 SA
Phải phòng cháy chữa cháy rừng thế nào khi diễn tập chữa cháy không thật thành công?
Thứ Năm, 22/06/2006 07:54 SA

Mới đây, tại huyện miền núi Đồng Xuân, lần đầu tiên Phú Yên tổ chức một cuộc diễn tập chữa cháy rừng. Vì là diễn tập nên mọi công việc đều được chủ động chuẩn bị từ trước theo đúng phương châm “4  tại chỗ”. Điều này có nghĩa là chỉ huy, lực lượng chữa cháy cùng với phương tiện đã có mặt sẵn sàng tại hiện trường trước khi lửa được đốt lên. Thế nhưng khi ngọn lửa bùng phát mạnh việc chữa cháy trở nên luống cuống. Những người dùng chà cây không thể nào áp sát ngọn lửa do không chịu nổi sức nóng của đám cháy. Còn những bình khí CO2 phun vào đám cháy như “muối bỏ biển”. Trong khi đó, xe chở nước cũng chỉ phun vòng ngoài. Đám cháy chỉ thật sự được khống chế khi đã... hết vật liệu cháy.

 

060622-ccr.jpg

Lực lượng dùng chà cây chống cháy không thể tiếp cận được ngọn lửa vì không chịu nổi sức nóng-  Ảnh: N.Trường

 

Câu hỏi đặt ra là: Diễn tập mà không dập tắt được đám cháy, nếu có cháy rừng thật thì việc chữa cháy sẽ như thế nào? Tất nhiên, sẽ không thể nào có sẵn lực lượng, phương tiện để chữa cháy và dù cho có phát hiện kịp thời, huy động được lực lượng nơi khác đến ứng cứu thì đám cháy đã lan rộng, khi đó việc chữa cháy rừng càng phức tạp. Đó là chưa kể khả năng chữa cháy của tỉnh trong điều kiện chưa được trang bị phương tiện phù hợp. Ông Lê Văn Tập, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật bảo vệ rừng số 2 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trực tiếp theo dõi buổi diễn tập này thừa nhận: Kịch bản diễn tập chữa cháy rừng so với thực tế chưa khớp. Trong khi việc chữa cháy rừng hiện nay ở ta chủ yếu là thủ công nên rất khó có khả năng khống chế ngọn lửa đang bùng phát. Cách chữa cháy có hiệu quả là phát băng ngăn không cho lửa lây lan và đợi lửa đến đường băng yếu đi thì tập trung lực lượng dập tắt.

 

Buổi diễn tập chữa cháy rừng không thật thành công như mong đợi nói trên về mặt nào đó có tính tích cực là giúp các ngành hữu quan nhận thấy những khiếm khuyết của công tác này, từ đó nâng cao hơn nữa ý thức phòng là chính. Theo chúng tôi, trọng tâm cho công tác phòng chống cháy rừng với những giải pháp cơ bản sau: Một, về kỹ thuật, cần tiến hành tu sửa đường ranh cản lửa, kết hợp với chăm sóc rừng, đốt dọn thực bì nhằm hạn chế vật gây cháy dưới tán rừng. Hai, tăng cường công tác tuần tra kiểm tra thường xuyên suốt mùa khô, đặc biệt chú ý các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, hạn chế người dân vào rừng. Ba, cần đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức phòng chống cháy rừng cho nhân dân, loại trừ các tác nhân gây ra cháy rừng, nhất là tình trạng đốt nương rẫy khu vực gần rừng.

 

Hiện nay, Phú Yên bắt đầu có gió tây nam và thời tiết khô hanh còn kéo dài đến tháng 9. Theo dự báo khí tượng thủy văn, tỉnh ta đang ở mức dự báo cháy rừng cấp V, nghĩa là cấp cháy rừng cực kỳ nguy hiểm. Đây cũng là thời điểm yêu cầu các cấp các ngành cần có những chỉ đạo kịp thời, bảo đảm việc PCCCR có hiệu quả cao nhất. Công tác PCCCR đang là yêu cầu cấp bách và quan trọng nhất của hoạt động quản lý bảo vệ rừng,  mong rằng việc PCCCR cần được toàn xã hội quan tâm.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek