Thứ Hai, 30/09/2024 08:29 SA
Sông Hinh: Nhiều hộ thoát nghèo từ vốn ngân hàng Chính sách xã hội
Thứ Sáu, 23/06/2006 09:14 SA

Cũng như những người nghèo khác ở Sông Hinh, mí Cách rời buôn Thung xã Đức Bình Đông đến định cư tại buôn Dô (xã Ea Ly) gặp không ít khó khăn. Đầu năm 2003, phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sông Hinh được thành lập cũng là lúc tổ tiết kiệm và vay vốn của buôn Dô ra đời.

 

Mí Cách được vay 7 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi này và mua đôi bò, sau 3 năm đàn bò của mí đã có 6 con. Điều đáng mừng hơn, mí Cách chẳng những trả xong vốn vay mà còn xây dựng được ngôi nhà sàn khang trang và lớn nhất buôn. Người phụ nữ Ê đê gần 50 tuổi này thật thà bảo: “Bây giờ thì no cái bụng rồi. Tất cả đều nhờ Nhà nước cho vay tiền làm ăn”.

 

Những năm gần đây, Phòng giao dịch NHCSXH Sông Hinh quan tâm mở rộng diện vay vốn đến địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo còn cao thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã xoá trắng địa bàn tín dụng thôn, buôn. Nếu năm 2003, toàn huyện mới có 260 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn NHCSXH, thì năm 2005 có 706 hộ được vay vốn ưu đãi này, đưa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số của huyện vay vốn NHCSXH lên 1.483 hộ, chiếm xấp xỉ 50% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.

 

060623-danbo.jpg

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh được vay vốn NHCSXH phát triển đàn bò - Ảnh: NT

 

Để người nghèo dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đó, NHCSXH đã xây dựng các điểm giao dịch tại tất cả các xã nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân ở huyện miền núi này. Hàng tháng theo định kỳ từ 1 đến 2 ngày, phòng giao dịch huyện cử cán bộ đến giải quyết các thủ tục cấp vốn, thu hồi nợ đối với khách hàng ngay tại xã. Nhờ vậy, việc giải ngân được nhanh chóng hơn. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm nay, phòng giao dịch của NHCSXH huyện đã giải ngân được 2.287 triệu đồng, đưa tổng dự nợ cho hộ nghèo vay lên 24.685 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với đầu năm 2003.

 

Món vay và thời hạn vay cũng được đơn vị thay đổi cho phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của người dân và gắn với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của địa phương. Ví dụ huyện đang khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, thì phòng giao dịch huyện cho vay dài hạn và mỗi hộ vay vốn mua được 2 con bò giống. Trước năm 2003, đơn vị cho vay vốn nuôi bò bình quân 5,76 triệu đồng/hộ thì nay tăng lên 6,45 triệu đồng/hộ. Thế nhưng ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Phú Yên cho rằng, mức cho vay đó còn thấp và còn mang tính bình quân chưa đáp ứng nhu cầu vốn của nhiều người dân. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ chú trọng cải tạo chất lượng hộ vay bằng cách tăng vốn cho vay đến 10 triệu đồng/hộ đối với những dự án được thẩm định có khả năng mang lại hiệu quả và thu hồi vốn nhanh.

 

Nhờ đồng vốn vay ưu đãi của NHCSXH đầu tư vào chăn nuôi bò, trồng mía, sắn mà không ít người dân ở các xã đặc biệt khó khăn như  Ea Trol, Sông Hinh, Ea Bar… đã nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định. Điển hình như hộ ông Bế Minh Hiên, dân tộc Tày ở xã Ea Ly, vốn là một hộ di cư từ miền núi phía Bắc vào từ năm 1995 chỉ với hai bàn tay trắng. Nhưng nhờ 3 triệu đồng vốn vay của Ngân hàng phục vụ người nghèo, cộng với chí thú làm ăn, hiện ông Hiên đã có cơ ngơi nhà cửa, đất đai không dưới 200 triệu đồng. Rõ ràng nguồn vốn của NHCSXH thật sự là một nguồn lực quan trọng đối với những hộ biết cách làm ăn.

 

Tuy nhiên việc sử dụng đồng vốn của người nghèo ở Sông Hinh trong thời gian qua không phải là không có hạn chế. Điều dễ nhận thấy là nợ quá hạn ở Sông Hinh còn cao, chiếm 8,46% (mức bình quân chung của tỉnh là 4,62%). Với đặc thù của một huyện miền núi có đến 48% dân số là người dân tộc thiểu số, đời sống của đại bộ phận người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp trong điều kiện còn lệ thuộc nhiều vào tự nhiên nên gặp năm thời tiết bất lợi, mất mùa thì hộ tái nghèo gia tăng, dẫn đến việc trả nợ vay cho ngân hàng không đúng kỳ hạn. Ngoài nguyên nhân khách quan trên còn phải nói việc cho vay vốn trong thời gian qua còn mang tính dàn trải, bình quân, dẫn đến một số trường hợp không sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

 

Theo kết quả điều tra, số hộ nghèo theo tiêu chí mới ở huyện Sông Hinh còn gần 40%, gấp đôi mức bình quân chung của tỉnh. Do vậy công tác XĐGN ở huyện miền núi này trong thời gian tới vẫn còn là vấn đề bức  xúc và cần được NHCSXH quan tâm hỗ trợ vốn giúp họ xóa nghèo bền vững. Song để đồng vốn đến với người nghèo có hiệu quả, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh tăng cường việc kiểm tra sử dụng vốn bảo đảm đúng mục đích, huyện cần có chương trình hướng dẫn họ biết cách làm ăn thì đồng vốn đó mới phát huy tác dụng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.

 

NGUYÊN TRƯỜNG 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek