Thứ Tư, 27/11/2024 12:30 CH
Nuôi tôm trong môi trường tự nhiên:
Lối thoát trên những “cánh đồng chết”
Thứ Năm, 22/06/2006 07:48 SA

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến nghề nuôi tôm ngày càng lụn bại. Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, hàng ngàn cánh đồng tôm bỗng hóa thành “cánh đồng chết”. Sự bế tắc như “bóng ma” luẩn quẩn, đè nặng… cuộc sống biết bao người. Trước khá nhiều giả thuyết khác nhau, một số nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu thủy sản III (NCTS III) đã kiên trì “bám đồng” suốt 2 năm qua để tìm ra “ánh sáng cuối đường hầm”.

 

060622-ao-tom.jpg

Huyện Đông Hòa đang tìm những giải pháp, nhất là quy hoạch và xử lý ô nhiễm môi trường, để vực dậy vùng nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch - Ảnh: L.Phong

Trong suốt 2 thập niên, nghề nuôi tôm sú đã tạo sinh kế và xóa đói giảm nghèo cho nhiều cộng đồng dân cư vùng duyên hải, đồng thời đóng góp một phần đáng kể vào thị trường XK thủy sản. Thời điểm cực thịnh (năm 2000), diện tích ao đìa nuôi tôm sú xuất khẩu của các tỉnh miền Trung đã mở rộng xấp xỉ 20.000ha; dẫn đầu là Khánh Hòa (4.8000ha), các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận… có từ 2.100 – 2.700ha. không chỉ khai hoang diện tích đầm, phá… ven biển để nuôi tôm nước lợ, nhiều địa phương còn tận dụng tối đa những gì có thể để nuôi tôm nước ngọt hoặc nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, từ người nuôi tôm đến nhà quản lý chỉ chú ý đến giá trị vật chất cụ thể và giá trị sử dụng trước mắt mà không quan tâm đến những giá trị phi vật chất cũng như giá trị chưa sử dụng của các hệ sinh thái ven biển – yếu tố hàng đầu để duy trì hoạt động nuôi trồng.

 

Năm 2001, phong trào nuôi tôm khựng lại và bắt đầu suy thoái. Kết quả quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh miền Trung do Viện nghiên cứu thủy sản III thực hiện từ năm 2002 đến nay cho thấy, môi trường còn nhiều bất ổn và nhiều độc tố trong đất và nước. Tính đến tháng 3-2006, hầu hết các tỉnh trong khu vực mới chỉ nuôi thả 20-30% diện tích, riêng Khánh Hòa con số ấy là 10%. Ô nhiễm ở khắp nơi, những cánh đồng tôm ngày trước bây giờ là “cánh đồng chết”. Hệ luỵ tất yếu là hàng chục vạn nông, ngư dân mất việc làm, nợ nần chồng chất; thậm chí có những “làng nợ” đã bị các ngân hàng cầm cố toàn bộ ao đìa, nhà cửa, ruộng vườn… nhiều gia đình đành phải bỏ xứ ra đi.

 

Theo nhận định của các nhà khoa học, thủ phạm gây ô nhiễm không phải con tôm mà do con người thiếu hiểu biết và đối xử quá thô bạo với thiên nhiên; chất thải hữu cơ, các loại hóa chất và vi sinh vật gây hại tồn tại dưới dạng trầm tích ngày càng dày. Viện NCTS III đã thống kê trung bình 1ha tôm sú bán thâm canh, mỗi năm thải ra môi trường từ 1 – 2,5 tấn chất thải gồm phân; sinh vật chết và một số dư lượng thuốc và hóa chất nguyên nhân tích tụ mầm bệnh và thường xuyên gây ra bệnh dịch cục bộ trên con tôm. Ngoài ra còn có khoảng 2 – 2,5 tạ vôi cùng với khoảng chừng ấy domolite tồn tư khiến đất bị vôi hóa và gần 2 tạ saponin, chlorin, thuốc tím… là những chất lắng đọng dạng vôi, dạng mangan hydroxide làm thay đổi độ pH, biến đổi hệ sinh thái đất, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật của vùng nước.

 

Ông Nguyễn Hữu Thọ, GĐ Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Trung, cho biết: “Lâu nay việc nghiên cứu thường tập trung vào các đối tượng khác nhưng kết quả phân tích của chúng tôi đã chứng minh thuốc tím là “thủ phạm” khá nguy hiểm. Nhiều người ngộ nhận bởi thuốc tím không gây hại cho con tôm nhưng trong thực tế nó đã tác động tiêu cực đối với môi trường. Trong quá trình ôxi hóa, dư lượng thuốc tím Mn4+ hủy diệt toàn bộ vi sinh vật yếm khí và hiếu khí – những vi khuẩn hết sức nhạy cảm, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân hủy chất hữu cơ”. Một đề tài khoa học cấp bộ đã được Viện NCTS III triển khai từ đầu năm 2005 đến nay nhằm “nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến suy thái môi trường, đề xuất một số giải pháp sử dụng đất và nước hiệu quả ở những vùng nuôi tôm đang giảm năng suất”.

 

Ông Nguyễn Hữu Thọ (Chủ nhiệm đề tài) cho biết: “Năm 2003 – 2004, giải pháp ứng dụng chế phẩm sinh học trong quá trình xử lý môi trường đất và nước đã được triển khai nhưng kết quả đạt được chưa thể hiện rõ, có thể do chất lượng của chế phẩm hoặc sử dụng chưa đúng mục đích. Người nuôi tôm cùng nhà khoa học dễ bế tắc vì con tôm nuôi không lớn và bệnh dịch vẫn xuất hiện”. Nguyên nhân sâu xa gây suy giảm môi trường là do lạm dụng các chất sát trùng và dư lượng của chúng đã ảnh hưởng bất lợi đến hệ vi sinh vật, đến tảo trong môi trường và hình thành nhiều độc tố. Các độc tố này phân bố trong nước và tác động ngược lại đối với việc sản xuất con tôm giống làm giảm chất lượng giống và kéo theo việc nuôi tôm thịt dễ thất bại. Vẫn theo ông Nguyễn Hữu Thọ, không nên quá bi quan vì hiện trạng chưa phải suy thoái mà đang ở mức suy giảm cục bộ trên từng vùng nuôi nhưng cần đặc biệt lưu ý tình trạng suy giảm hệ vi sinh vật hữu ích. Các giải pháp đang được khuyến cáo thực hiện là nuôi thêm cá trong ao đìa để chúng thu gom thức ăn thừa; phân hủy các độc tố bằng chế phẩm sinh học đặc hiệu và chuyển đổi hệ tảo trong môi trường nuôi tránh các hiện tượng tảo tần gây nhiều độc tố tác động đến tôm nuôi.

 

Hiện tại, Viện NCTS III đang thực nghiệm nuôi tôm sú trong môi trường tự nhiên, tương tự ứng dụng IPM trên cây lúa. Rất đáng mừng bởi kết quả đạt khả quan hơn hẳn so với những ao nuôi (có sử dụng hóa chất) cùng thời điểm và cùng một địa điểm. Hy vọng đây sẽ là lối thoát trên những “cánh đồng chết”.

 

BẢO CHÂN

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek