Thứ Tư, 09/10/2024 05:24 SA
Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn:
Sớm nâng hạn mức để phù hợp với thực tiễn
Thứ Sáu, 21/08/2009 06:59 SA

Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đang chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên. Thế nhưng, mức vay không có bảo đảm tài sản tối đa chỉ 10 triệu đồng/hộ được áp dụng cách đây 10 năm hiện không đáp ứng đủ vốn đối với hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Thực tế này đòi hỏi cần phải thay đổi chính sách tín dụng để phù hợp với thực tiễn sản xuất hiện nay.

 

cho-vay-nong-nghiep.090821.jpg

Mức cho vay tối đa theo Quyết định 67 tại Aribank Phú Yên chỉ 10 triệu đồng/hộ. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Agribank TP Tuy Hòa - Ảnh: Q.THUẦN

  

Theo số liệu thống kê tại Agribank Phú Yên, đến thời điểm này dư nợ cho vay không có bảo đảm tài sản, ủy thác qua Hội Nông dân và Hội Phụ nữ tỉnh đạt trên 700 tỉ đồng với 35.000 hộ vay. Trong đó, số vốn ủy thác qua Hội Nông dân đạt 620 tỉ đồng với 33.430 lượt hộ vay. Huyện Sông Cầu có 357 tổ vay vốn, dư nợ đạt 178 tỉ đồng với 4500 lượt hộ vay; Tây Hòa có 173 tổ vay vốn, dư nợ đạt 110 tỉ đồng với gần 7.000 lượt hộ vay; Phú Hòa có 214 tổ vay vốn, dư nợ đạt 95 tỉ đồng với 5.000 lượt hộ vay. Sông Hinh không có tổ vay vốn và hộ nông dân nào vay vốn.

Để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thì vấn đề đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân là hết sức quan trọng. Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 67 về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) là đầu mối cung cấp nguồn tín dụng này thông qua ký kết các nghị quyết liên tịch ủy thác vốn qua Hội Nông dân và Phụ nữ. Sau mười năm triển khai, Agribank tại Phú Yên đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Phú Yên trên 700 tỉ đồng cho khoảng 35.000 hộ vay, chiếm 38% tổng dư nợ của chi nhánh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Phú Yên, hoạt động tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Ông Lê Kim Thãi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Hòa cho biết, theo Quyết định 67, mức cho vay không có bảo đảm tài sản tối đa chỉ 10 triệu đồng là quá thấp, không còn phù hợp với nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh hiện nay. Với số vốn ít ỏi này, nông dân không thể nào tính chuyện làm ăn dài hơi. Ông Lê Tấn Ngọc ở xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) cho biết, 1 ha tôm thẻ chân trắng có mức đầu tư gần 200 triệu đồng, trong khi đó Hội Nông dân xã chỉ có thể đứng ra tín chấp với ngân hàng cho nông dân vay từ 7 – 10 triệu đồng, chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Không còn cách nào khác, nông dân phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao.

 

Tại huyện Sông Cầu, nguồn vốn đầu tư nuôi tôm hùm lồng lên đến hàng trăm triệu đồng/hộ. Để đáp ứng nhu cầu về vốn cho ngư dân, Agribank Phú Yên đã linh động nâng mức cho vay không có bảo đảm tài sản lên từ 70 - 100 triệu đồng/hộ, dựa vào uy tín của từng khách hàng. Ông Tô Thanh Hóa, Giám đốc Agribank Sông Cầu nói: “Chỉ có cách làm này mới giải được cơn “khát vốn” của bà con. Vấn đề ở đây là nắm bắt được nhu cầu vốn trong quá trình sản xuất và hiệu quả mang lại đến đâu. Không nên cứng nhắc ấn định một mức tín dụng cố định”. Tuy nhiên, ông Hóa cũng thừa nhận, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chứa đựng nhiều rủi ro, trong khi quy định về xử lý rủi ro theo Quyết định 67 còn chung chung, dẫn đến tình trạng cố tình chây ì, nợ đọng kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ngân hàng. 

 

Theo ý kiến của nhiều nông dân, đã đến lúc phải nâng hạn mức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với thực tiễn sản xuất hiện nay. Các tổ chức tín dụng nên xem xét cho hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm tài sản. Ví dụ, mức cho vay tối đa không có bảo đảm tài sản tối đa có thể đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; 200 triệu đồng đối với các hộ sản xuất ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn và 500 triệu đồng đối với chủ trang trại, hợp tác xã. Ông Lê Tấn Ngọc nói: “Nông dân chúng tôi không có nhiều tài sản thế chấp vay số vốn lớn, vì thế ngân hàng nên nâng hạn mức cho vay không có bảo đảm tài sản gấp 5 đến 6 lần so với hiện nay. Với mức vay này, nông dân chúng tôi mới đủ vốn sản xuất, kinh doanh và vươn lên làm giàu. Ngoài ra, cần xem xét lại thời hạn trả nợ và cho vay mới phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng loại cây, con và có chính sách bảo hiểm rủi ro phát sinh trong quá trình sản xuất”.

 

Đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. So với Quyết định 67, dự thảo Nghị định có nhiều quy định cụ thể và phù hợp hơn với thực tế hiện nay, nhất là quy định về cơ chế bảo đảm tiền vay, bảo hiểm nông nghiệp, hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá mới thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững. 

 

Nghị quyết số 26/2009 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung uơng Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 là: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3,5 - 5%/năm; nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp 2,5 lần so với hiện nay... Để đạt được mục tiêu này thì việc tăng cường đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân là hết sức quan trọng, trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

 

QUANG THUẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhiều nhưng chưa hiệu quả
Thứ Sáu, 21/08/2009 10:30 SA
Không thể “bó tay”!
Thứ Năm, 20/08/2009 18:30 CH
Vẫn chậm do nhiều vướng mắc
Thứ Năm, 20/08/2009 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek