Thứ Sáu, 11/10/2024 11:31 SA
Cách phân biệt tiền giả
Thứ Sáu, 17/07/2009 16:30 CH

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Phú Yên cho biết, trên thị trường đang xuất hiện tiền giả mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng, thậm chí cả 500.000 đồng. Khi đến giao dịch, tiền của khách hàng có thể bị các tổ chức tín dụng mang đi giám định và tịch thu nếu là tiền giả. Người có tiền giả sẽ không được đổi lại tiền có mệnh giá tương đương. Nếu không nghiêm trọng, ngân hàng sẽ tịch thu, đục lỗ tiền và nhập quỹ tiền giả để tiêu hủy. 

 

tien-1-090717.jpg

Kiểm tra tiền tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư – Phát triển tại Phú Yên – Ảnh: N.Q

Vấn đề tiền giả đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn quốc. Do đó, việc cập nhật liên tục số liệu thống kê tiền giả và nhận biết được thủ đoạn của đối tượng làm tiền giả là rất cần thiết. Việc kiểm tra tiền bằng xúc giác và thị giác đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, việc duy trì chất lượng của tiền thật trong lưu thông góp phần nâng cao độ chính xác của việc nhận biết tiền giả. Sau đây là một số kỹ thuật phân biệt tiền giả:

 

- Soi tiền trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm và hình định vị. Ở các tờ bạc thật, khi soi trước nguồn sáng, sẽ thấy một sợi dây bảo hiểm chạy dọc tờ bạc có các dòng chữ: “NHNNVN*100.000” (tương ứng với mệnh giá) lặp đi lặp lại và đảo chiều. Tại cửa sổ nhỏ (góc trên bên trái) của tiền thật, có hình hoa cúc cách điệu, nhìn thấy khi soi trước nguồn sáng đỏ như đèn dầu, nến, bóng đèn trong. Tờ bạc giả không có các chi tiết này.

 

- Vuốt nhẹ lên bề mặt tờ bạc giả, sẽ không cảm nhận được các chi tiết in lõm hay in dập nổi như ở tiền thật. Ở tiền thật, do được in bằng công nghệ in đặc biệt, nên bề mặt tiền có độ dày. Khi dùng tay vuốt, bề mặt tờ tiền không trơn mà có độ sần đều. Còn tiền giả, độ sần được tạo ra từ việc chọc lỗ nên khi vuốt, vết sần khác thường, thưa và không đều nhau. Tuy nhiên, nếu kiểm tra bằng tay mà không tinh ý sẽ không cảm nhận được đặc điểm khác biệt trên.

 

- Chao nghiêng tờ bạc để kiểm tra mực đổi màu. Đối với tiền polymer loại mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 20.000 đồng và 10.000 đồng, nếu cầm tờ bạc chao nghiêng, tiền thật sẽ hiện lên các chi tiết in màu vàng thể hiện mệnh giá tờ bạc đó (còn gọi là chi tiết bảo an). Ở tiền giả không có chi tiết này. Đối với loại tiền mệnh giá 100.000 đồng, cần lưu ý kiểm tra chi tiết in hình hoa văn ở góc trên phải mặt trước của tờ bạc. Khi chao nghiêng tờ bạc, chi tiết  này sẽ đổi từ màu vàng sang màu xanh. Ở tiền giả, chi tiết in này không đổi màu.

 

- Kiểm tra các cửa sổ trong suốt. Ở cửa sổ lớn có cụm số dập nổi tinh xảo. Ở cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn. Khi đưa cửa sổ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng đỏ sẽ thấy hình ẩn xung quanh nguồn sáng. Ở tiền giả không có yếu tố hình ẩn này.

 

- Dùng kính lúp và đèn cực tím. Ở tiền thật: Mảng chữ siêu nhỏ “NHNNVN” hoặc số mệnh giá lặp đi lặp lại nhìn thấy dưới kính lúp. Cụm số mệnh giá, số seri  khi soi dưới đèn cực tím sẽ phát quang. Ở tiền giả không có dòng chữ siêu nhỏ, không có mực không màu phát quang hoặc phát quang yếu.

 

NGỌC QUANG (giới thiệu)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek