Thứ Bảy, 12/10/2024 11:32 SA
Quản lý cộng đồng để ngăn chặn dịch bệnh sữa trên tôm hùm
Thứ Tư, 01/07/2009 18:00 CH

Nghề nuôi tôm hùm giúp cho nhiều ngư dân Phú Yên thoát nghèo, vươn lên giàu. Tuy nhiên, do mật độ thả nuôi quá dày trong lúc nghề nuôi còn mang tính thủ công, quảng canh, ý thức quản lý cộng đồng vùng nuôi của ngư dân còn thấp nên bệnh dịch tôm xảy ra liên tục từ năm 2006 đến nay. Ngoài các bệnh đỏ thân, đen mang, mòn đuôi, cụt râu thì bệnh sữa trên tôm hùm cũng đã xuất hiện không chỉ ở các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên, mà lây lan ra ở hầu hết các tỉnh ven biển khu vực miền Trung, tỉ lệ tôm hùm chết 15 – 54 % so với lượng giống thả nuôi, gây thiệt hại nặng về kinh tế cho người dân.

 

tom-hum-thu-som.090701.jpg

Người dân xã Xuân Thịnh, huyện Sông Cầu thu hoạch tôm non bán, do tôm hùm bị bệnh sữa - Ảnh: Q.ĐẠT

 

Để nghề nuôi tôm hùm tiếp tục phát triển theo chương trình của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên triển khai thực hiện phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm, đào tạo kỹ thuật tiêm cho các hộ nuôi tôm hùm tại các vùng nuôi trọng điểm. Sau gần một tuần tiêm, điều trị, bệnh trên tôm hùm có dấu hiệu thuyên giảm, hoạt động bình thường. Phác đồ điều  trị bệnh  sữa  bao gồm công đoạn tiêm thuốc kháng sinh (Oxytetraxyline), cho tôm ăn thuốc bổ dưỡng (Vitamin, khoáng chất), men vi sinh, tương đối dễ thực hiện, phù hợp với trình độ của người dân, người dân rất đồng tình, hưởng ứng phương pháp điều trị này.

 

Do ảnh hưởng của bệnh sữa, người nuôi tôm phải sử dụng nhiều kháng sinh dẫn đến tôm chậm lớn, thời gian nuôi dài (tôm hùm bông 18 - 20 tháng/vụ, tôm hùm xanh 10 - 12 tháng/vụ ), gây nhiều rủi ro. Để hạn chế dịch bệnh, chính quyền xã Xuân Cảnh tổ chức mô hình: “Quản lý cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh tôm sữa lây lan” theo phương thức quản lý dựa vào cộng đồng, các hộ dân có trách nhiệm giúp đỡ nhau trong công tác quản lý, phòng bệnh, gìn giữ vệ sinh môi trường để ngăn chặn bệnh tái phát, lây lan, phục hồi và phát triển khả năng nuôi trồng thuỷ sản của thuỷ vực. Ông Nguyễn Ngọc Khanh, phụ  trách Tổ quản lý cộng đồng vùng nuôi tôm hùm xã Xuân Cảnh cho biết: “Trước tình hình bệnh lây lan trên diện rộng, tổ thành lập 57 nhóm quản lý cộng đồng. Cứ 10 - 20 hộ cùng một khu vực, một tiểu  vùng  nuôi  thành  lập nhóm để giữ gìn an ninh trật tự, kỹ thuật nuôi, hạn chế bệnh tái phát, lây lan.

 

- Khâu ương nuôi tôm hùm giống: Trong quá trình nuôi, cho tôm con ăn mỗi ngày hai lần vào buổi sáng và chiều. Kiểm tra, vệ sinh lồng nuôi sau lần cho ăn thứ hai, thức ăn có thành phần chính: Cua, ghẹ 50%; tôm dăm, ruốc 50%, nhiều hộ pha chế thức ăn với vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho tôm, sản xuất nguồn giống khỏe mạnh, một tháng cảo lồng (vệ sinh lồng, thay lồng mới) một lần. 

 

- Khâu nuôi tôm hùm thương phẩm: Sau khi tiêm thuốc kháng sinh (Oxytetraxyline), cho tôm ăn thức ăn bổ dưỡng: Giáp xác + thân mềm + cá, thành phần: Cua, ghẹ, vẹm xanh 30%; cá tạp, tôm dăm 70%, vitamin, men vi sinh, mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi sáng, nhiều hộ pha chế thức ăn với dịch trùn (giun), trùn khô, nhằm  bổ sung lượng đạm, khoáng, các chất dinh dưỡng, vitamin, bổ sung vi khuẩn Bacillus có trong con trùn, nhằm giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn, hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong con trùn, tăng sức đề kháng, phòng bệnh tái phát. Liều lượng và cách làm: Xay trùn thịt sấy khô trộn đều vào thức ăn, liều lượng 3 g/kg thức ăn, ướp trong 30 phút, trộn áo bằng dịch trùn, liều lượng: 1 kg dịch trùn cho 50 - 60 kg thức ăn, sau đó cho tôm ăn.

Hằng ngày lặn xuống kiểm tra tình trạng hoạt động, sức khỏe của tôm, vệ sinh lồng, sau đó cho tôm ăn, định kỳ một tháng cảo lồng một lần. Khi tôm nuôi đạt cỡ thương phẩm tổ chức thu hoạch (tôm hùm bông đạt trọng lượng > 0,7 kg/con, tôm hùm xanh đạt trọng lượng 3 con > 1 kg). Nhờ vậy tôm nuôi khoẻ mạnh, không bị tái phát bệnh.

 

Kết quả vụ nuôi năm 2007 - 2008, tổ nuôi tôm có sự quản lý cộng đồng xã Xuân Cảnh đã phát triển 3.787 lồng nuôi thương phẩm với trên 126.000 con tôm, sản lượng thu hoạch: 128 tấn, doanh thu hơn 120 tỉ đồng. 90% các hộ nuôi có lãi, 5% số hộ hòa vốn và 5% số hộ lỗ ít. Qua đây cho thấy, việc quản lý vùng nuôi dựa vào cộng đồng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh môi trường, bảo vệ an ninh trật tự sẽ ngăn chặn được dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất.

 

HUỲNH VĂN VŨ

TT Khuyến nông - Khuyến ngư  Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek