Thứ Bảy, 12/10/2024 05:23 SA
Nuôi, trồng thời hiện đại
Chủ Nhật, 05/07/2009 15:01 CH

1. Trước đây  ở các vùng nông thôn, nhất là đồng bằng Tuy Hòa, nhà nhà đều nuôi trâu, bò để phục vụ cày kéo. Trên những cánh đồng, ta bắt gặp hình ảnh: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa! Ngày ấy làm ruộng vất vả trăm bề, ngoài cày sâu cuốc bẩm, nông dân còn phải gồng gánh từng bó lúa vào tận sân kho, đập lúa bằng cào cỏ, đạp rơm đến rớm máu gan bàn chân…

 

cay-ruong-090701.jpg
Hiện đại hóa cơ giới sản xuất nông nghiệp. - N.LƯU

 

Còn bây giờ, số hộ nông dân ở Phú Yên nuôi trâu, bò để cày ruộng rất ít. Cơ giới hóa nông nghiệp đã thay thế sức người, sức gia súc trên những cánh đồng. Vào mùa gieo trồng, trên đồng chỉ thấy những con “trâu sắt” nhả khói kéo cày, lật tung từng thớ đất; nông dân sử dụng máy gieo sạ lúa bằng hàng... Vào mùa thu hoạch, ta bắt gặp những chiếc máy gặt lúa xếp dãy, máy gặt đập liên hợp, những chiếc máy tuốt lúa di động đến tận chân ruộng…

 

Nông dân Phú Yên cũng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các loại cây trồng khác đạt năng suất, sản lượng cao. Đặc biệt, bà con đã xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao và những cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha/năm.

 

Trình độ trồng trọt, chăn nuôi của nông dân Phú Yên đã có bước tiến rất lớn trong đầu tư phát triển mô hình trang trại vườn - ao - chuồng (VAC), vườn - ao - chuồng - rừng (VACR). Hàng trăm nông dân, hộ nông dân từ những gia đình nghèo vươn lên làm giàu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giá trị sản xuất nông nghiệp của Phú Yên năm 2007 đạt 2.133 tỉ đồng, năm 2008 đạt hơn 2.140 tỉ đồng và năm 2009 dự ước đạt khoảng 2.258 tỉ đồng. Mức tăng trưởng bình quân ba năm (2007-2009) ước đạt 3,32%.

 

Đạt được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của nông dân, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, “tiếp sức” cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bốn nhà: Nhà nước (nhà quản lý), nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông (người sản xuất) đã cùng nhau liên kết trong việc nghiên cứu ứng dụng, đưa tiến bộ KHKT và công nghệ vào sản xuất, coi đây là khâu đột phá quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Để cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, ngoài thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai chương trình hành động của Tỉnh ủy về chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2006-2010, ngành Nông nghiệp Phú Yên đã và đang triển khai một số chương trình, mô hình để nông dân áp dụng. Đó là sử dụng giống mới năng suất cao, tăng khả năng chịu hạn, dịch bệnh, phù hợp từng vùng sinh thái, kỹ thuật canh tác tiên tiến… Đặc biệt, ngành nông nghiệp đầu tư cho chương trình nâng tỉ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp, bảo quản chế biến sau thu hoạch; chương trình ba giảm - ba tăng; phát triển thủy lợi phục vụ cấp nước tưới; xây dựng các công trình phục vụ lâm sinh (vườn giống, đường lâm sinh kết hợp đường ranh phòng cháy chữa cháy rừng); quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến sắn, mía. Ngành Nông nghiệp còn chú trọng tổ chức nhiều cuộc hội thảo đầu bờ, tổ chức tham quan học hỏi, mở hội thi kiến thức nông, lâm, ngư nghiệp, chuyển giao kỹ thuật mới bằng nhiều lớp tập huấn, trình diễn nhiều mô hình mẫu, hỗ trợ cây, con giống mới để phục vụ cho sản xuất. Các kỹ sư nông nghiệp cũng đã hướng dẫn cho nông dân phương pháp quản lý và hoạch toán sản xuất; hướng dẫn công tác thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông, lâm thủy sản cho nông dân; thực hiện chương trình huấn luyện nông dân sản xuất và xây dựng mô hình rau an toàn theo hướng GAP (Good Agricultural Practice - Thực hành nông nghiệp). Ngành Ngân hàng đầu tư hàng ngàn tỉ đồng giúp nông dân phát triển kinh tế, đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp; Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Phú Yên cũng đang triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp để áp dụng công nghệ cao tại xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), đây là cơ hội để nông dân tham quan, học tập, ứng dụng khoa học công nghệ vào hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp…

 

Nông dân càng phấn khởi hơn khi được Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay vốn để nông dân mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật liệu xây dựng nhà…

 

2. Trước năm 1989, nghề nuôi trồng, khai thác thủy   sản Phú Yên nhỏ lẻ, lạc hậu; ao nuôi trồng thủy sản rải rác, manh mún; tàu thuyền đa số có công suất nhỏ, chỉ khai thác ven bờ. Nhưng chỉ sau 5 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, ngư dân Phú Yên đã đầu tư phát triển toàn diện về nuôi trồng và khai thác thủy sản. Nghề câu cá ngừ đại dương đã trở thành điển hình trong cả nước. Tỉnh cũng thực hiện chương trình “Lấy nuôi trồng để khai thác” với sản lượng, giá trị xuất khẩu tương đối cao. Nhờ vậy, đời sống kinh tế dân cư vùng ven biển được nâng lên rõ rệt, góp phần giải quyết việc làm cho 5,9 vạn lao động, tạo động lực cho bước đột phá, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn của Phú Yên.

 

duoc-mua-ca.090701.jpg

Đội tàu công suất lớn vươn khơi khai thác thủy sản đạt hiệu quả. - Ảnh: N.LƯU

Ngư dân Phú Yên đã khai thác được lợi thế về tiềm năng để phát triển nhanh theo chiều rộng và hình thành các vùng tập trung chuyên canh nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Cù Mông, Ô Loan, Xuân Đài, Bình Bá, hạ lưu sông Bàn Thạch… với diện tích thả nuôi tăng bình quân 2%/năm. NTTS nước ngọt cũng đã phát triển trên 300 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh… Hiện nay, mặc dù phong trào nuôi tôm sú, tôm hùm lồng giảm do dịch bệnh, nhưng nghề nuôi các đối tượng thủy sản khác như tôm thẻ chân trắng, cá mú, ốc hương, ghẹ lột, cá bốp, cá giò, cua, cá bống… có chuyển biến tích cực. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và tư nhân đã đầu tư NTTS ở ven biển Phú Yên, như Hiệp hội NTTS Đài Loan đã xây dựng dự án tại thôn Tân Thạnh (xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu) để nuôi các loại cá, sản xuất giống và thu mua, chế biến hải sản; tư vấn và đào tạo kỹ thuật NTTS cho ngư dân. Công ty TNHH Asia Hawaii Ventures (Hoa Kỳ) chuyên sản xuất tôm thẻ chân trắng ở vùng cao triều xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa), cung ứng nguồn giống với số lượng lớn cho người nuôi trong tỉnh. Công ty TNHH An Hải, một doanh nghiệp 100% vốn của Nga, nuôi gần 100.000 con cá bốp ở Lao Mái Nhà (huyện Tuy An)… Đây là cơ hội để người dân có điều kiện tham quan, học tập, áp dụng nuôi thủy sản đạt hiệu quả và bền vững.

 

Hiện đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ của Phú Yên đã phát triển lên khoảng 800 tàu. Có tàu to, thuyền lớn ngư dân vươn khơi khai thác ở nhiều ngư trường xa. Nhờ đó, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm luôn tăng cao. Đặc biệt, nghề đánh bắt cá nổi, cá ngừ đại dương (cá vây vàng Yellowfin tuna, cá mắt to Big-eye tuna) với sản lượng đạt trên dưới 5.000 tấn/năm đã góp phần phát triển nghề khai thác khơi, giảm áp lực khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ. Thương hiệu “Cá ngừ Phú Yên” đã xuất hiện đều đặn trên thị trường Mỹ, Nhật, Hồng Kông... Chuyển biến trong khai thác khơi đã và đang tạo ra nhiều công ăn, việc làm, tăng thu nhập và làm thay đổi nhiều mặt ở các làng xã ven biển.

 

Để thực hiện Chương trình hành động số 14-CTr/TU của Tỉnh ủy Phú Yên thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH TW Đảng về chiến lược biển Việt Nam đến 2020, ngành Thủy sản Phú Yên tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, quản lý quy hoạch và phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư mạnh vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thủy sản… Với phương châm “Lấy nuôi trồng để khai thác”, ngành đầu tư mạnh NTTS theo hướng thâm canh đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lợi ích kinh tế – xã hội toàn cục, nhằm đạt hiệu quả cao, ổn định, bền vững và lâu dài. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm; hình thành các trung tâm sản xuất để tổ chức sản xuất sản phẩm sạch, giống sạch, xây dựng vùng nuôi an toàn (CoC), thực hiện quy phạm thực hành NTTS tốt (GAP)… Tăng cường công tác khuyến ngư, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào khai thác có hiệu quả, nhằm đưa tổng sản lượng thủy sản đạt trên 70.000 tấn vào năm 2020 (trong đó có 50% sản lượng nuôi trồng). Ngành mở rộng quy mô bến, cảng cá, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến thủy sản nhằm phù hợp với thị trường xuất khẩu mới EU và Mỹ…

 

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek