Thứ Ba, 01/10/2024 00:16 SA
Kè đổ xuống sông, tại sao?
Thứ Hai, 05/06/2006 09:41 SA

Một nhịp kè chống ngập lụt TP Tuy Hòa giữa tuần qua đã... trôi tuột xuống sông Đà Rằng dù thời tiết ở đây yên bình, không một chút biến động.

 

Nguyên nhân tại sao? Hiện chưa thể xác định chính xác bởi nhà thầu thi công không có máy móc, thiết bị để cẩu phần đổ sập xuống lòng sông ấy lên được. Nhưng các ngành chức năng đã đặt ra ba nguyên nhân chính dẫn đến việc “trôi sông” của cả một nhịp kè: Chất lượng thi công kém, chưa gia cố phần chân đê và do tàu thuyền neo trên đê.

 

Nhiều ngư dân ở khu phố Bạch Đằng (phường 6) đã phản ứng quyết liệt khi nghe nói đến chuyện tàu thuyền của họ bị “đổ thừa” là lý do dẫn đến việc sụp đổ của nhịp kè Bạch Đằng. “Mùa này gió nồm thổi rất mạnh, tàu thuyền neo ở đây cứ trôi về phía bờ chứ đâu có trôi ra giữa lòng sông mà giật đến bứt kè. Tàu bị gió đẩy gần bờ đến nỗi khi bờ kè đổ còn làm hỏng đến mấy chiếc kia mà” – một ngư dân nói rất có lý như thế. Dân còn đặt câu hỏi thế này nữa: Nếu đổ lỗi cho tàu thuyền giật sập kè, thì sao hồi mùa động, hồi mưa lũ nó không giật cho sập mà đợi đến lúc trời yên biển lặng này lại làm đổ kè? Cho nên sự tác động của tàu thuyền neo tạm ở bờ kè này, nếu có cũng không đến nỗi làm sập cả một hệ thống bằng bê tông cốt thép giằng níu với nhau như thế.

 

060605-chuyenvi.jpg
Một người dân đang thử đo độ chuyển dịch của một dầm ngang gần vị trí của nhịp kè bị đổ xuống sông - Ảnh: Khương Duy

 

Hai nguyên nhân còn lại thì đều thuộc về nhà thầu thi công. Phần “nợ” của nhà thầu đối với công trình này phải trả trong vòng 2 tháng kể từ trung tuần tháng 4 gồm đổ 12.000m3 cát và 20.000m3 đá hộ chân, 300m3 cát tầng lọc, 2.500 tấm lát bờ kè. Thế nhưng cho đến nay, đơn vị này mới chỉ làm được chưa đến 25% khối lượng “nợ” phải trả. Sự chậm trễ đó của họ kéo theo việc chậm triển khai một số hạng mục công trình của nhà thầu khác, đồng thời có thể là nguyên nhân làm đổ nhịp kè giữa tuần rồi. Nhưng, những người dân bình thường khi đến hiện trường đã đặt một câu hỏi mà theo chúng tôi là rất có lý: Liệu 4 trụ cọc nhồi được búa đóng chặt xuống lòng sông đến 6m có dễ dàng ngã đổ cùng lúc như thế hay không?

 

Chính thế, nguyên nhân chậm đổ đá hộ chân tỏ ra yếu hơn là việc thi công ẩu, việc thi công kém chất lượng của nhà thầu. Việc rút bớt nguyên vật liệu trong quá trình thi công công trình đã được ngành chức năng chỉ rõ. Vụ án và 11 bị can đã bị khởi tố cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bá Lộc đã nói: “Chỗ này sạt lở được, chỗ kia cũng có thể sạt lở”, bởi chắc hẳn rằng trong số gần 1.000 cọc trụ còn lại và toàn bộ hệ thống dầm, cọc khác của phần kè có thể cũng đã bị thi công không đúng quy cách như thiết kế. Thêm vào đó, ở một vài vị trí, chỉ cần nhìn vào, người ta thấy ngay thi công ẩu: sự liên kết giữa dầm níu và cọc nhồi gần như không có thì làm sao vững chắc được. Người dân lại đặt vấn đề: Công trình chưa sử dụng giây phút nào và ở trong tình trạng không tải mà vẫn bị sụp đổ thì khi hoàn thành, khi có tải trọng, nguy cơ đổ sụp sẽ ra sao? Cho nên vấn đề rất cấp thiết bây giờ là phải kiểm tra toàn bộ gói thầu số 4, tìm cách khắc phục cho được những vị trí “có vấn đề” thì mới hy vọng “cứu” được công trình.

 

Cái kè này đã khiến người dân khổ sở nhiều rồi. Ví dụ chuyện bà con sống dọc sông Đà Rằng khổ sở bởi các đơn vị thi công tập trung xe máy, vật liệu khắp nơi rồi để đó không làm, gây khó khăn cho họ trong việc đi lại. Rồi mùa mưa, buồn thay, công trình chống ngập lụt lại gây... ngập lụt vì nước từ trên núi Nhạn và khắp nơi đổ xuống không thể chảy được ra sông khi mà cát và vật liệu được đổ cao hơn nền nhà dân, lại không có nơi thoát nước. Rồi nữa, hàng ngàn tàu thuyền đánh bắt xa bờ của Phú Yên chỉ có nơi tránh bão là hạ lưu dòng Đà Rằng này gặp khó khăn trong neo đậu vì bờ kè đang thi công...

 

Ngay thời điểm bây giờ, việc thiệt hại đã thấy rõ, bởi công trình thực hiện không đúng tiến độ trong khi giá nguyên vật liệu leo thang chóng mặt, tỉnh lại phải đầu tư thêm vốn, ngân sách nhà nước lại mất thêm tiền tỉ. Nhưng may mắn là việc đổ xuống sông của một nhịp kè Bạch Đằng xảy ra khi công trình chưa hoàn tất, chứ nếu không bao nhiêu thiệt hại khổng lồ về sau thì chỉ có tỉnh, có nhân dân Phú Yên lãnh đủ!

 

Vì thế, đối với công trình này, các cơ quan chức năng cần kiểm tra và khắc phục sai sót một cách nghiêm túc.

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek