Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm nay là “Sa mạc và hoang mạc hóa” và khẩu ngữ cho ngày này là “Đừng từ bỏ các vùng đất khô cằn!” nhắc nhở tất cả chúng ta về ý nghĩa quan trọng của việc chăm sóc các vùng đất khô hạn và bán khô hạn.
Trồng rừng để chống hoang mạc hóa vùng đất cát ven biển Tuy An - Ảnh: N. Trường
Sa mạc hoá là sự suy thoái đất ở các vùng khô cằn, bán khô cằn và khô cằn cận ẩm ướt, chủ yếu do các hoạt động của con người và sự biến đổi của khí hậu gây nên. Sa mạc hoá xảy ra do những hệ sinh thái trên vùng đất khô cằn, chiếm hơn 1/3 diện tích đất trên thế giới bị tổn thương nghiêm trọng do việc khai thác quá mức và sử dụng đất không hợp lý. Ngày nay, thoái hoá đất và hoang mạc hoá là một trong những vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt và giải quyết nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực với mục tiêu phát triển bền vững. Trên thế giới hiện có khoảng 30% diện tích bề mặt trái đất là hoang mạc hoặc đang diễn ra quá trình hoang mạc. Tại các vùng hoang mạc trên thế giới, tuy phạm vi, cường độ và mức độ tác hại có khác nhau, nhưng thực tế là quá trình hoang mạc hoá đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu với những hệ quả về sinh thái và môi trường ngày càng nghiêm trọng. Chính vì vậy, năm 1996 Liên hợp quốc đã đưa ra Công ước chống sa mạc hoá và Việt
Tỉnh Phú Yên có diện tích 504.531 ha, nhưng trong đó diện tích hoang mạc hóa trung bình mỗi năm ở miền núi 300 ha và vùng biển khoảng 8-10 ha. Sự mở rộng của hoang mạc không chỉ do khí hậu và biến đổi khí hậu mà còn do sức ép gia tăng dân số và hoạt động sống của con người.
Như chúng ta biết, đất là tài nguyên vô giá để phát triển nông, lâm nghiệp và các ngành kinh tế- xã hội khác. Ở Phú Yên trong nhiều năm qua, do nhận thức và hiểu biết về đất đai của nhiều người còn hạn chế, đã lạm dụng và khai thác không hợp lý dẫn đến nhiều diện tích đất bị thoái hóa, hoang mạc hóa, làm mất đi từng phần hoặc toàn bộ tính năng sản xuất, làm cho nhiều loại đất vốn rất màu mỡ lúc ban đầu, nhưng sau một thời gian canh tác đã trở thành những loại sử dụng không hiệu quả. Hiện tượng sa mạc và hoang mạc hoá thật khôn lường, vì có ảnh hưởng lớn đến thu nhập kinh tế, môi trường sống con người. Các hiện tượng lũ lụt, tăng độ mặn của đất, ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước dự trữ ở các dòng sông là tác động của hiện tượng sa mạc hoá đến môi trường.
Để chống sa mạc hóa phải giải quyết hai vấn đề cơ bản là loại trừ hoặïc hạn chế các nguyên nhân của tình trạng sa mạc hóa và tái lập, bảo tồn ổn định khả năng sản xuất của các vùng đất đã bị sa mạc hóa, bạc màu. Muốn làm được điều đó, chúng ta chú ý đến các giải pháp sau:
- Tăng độ che phủ rừng để bảo vệ đất (đến năm 2010, nâng độ che phủ rừng lên 43%). Tiếp tục thực hiện chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng và hệ thống cây trồng phân tán ở nông thôn.
- Quy hoạch và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên (đất, rừng và nước) theo Luật định.
- Tăng cường các biện pháp giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là vấn đề cung cấp nước trong các vùng bị hạn hán nghiêm trọng.
- Phát triển nông thôn, đặc biệt là tiếp tục thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
- Tranh thủ các nguồn vốn của quốc tế, chính phủ thực hiện công tác chống sa mạc hóa ở địa phương.
Trong những năm qua công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Phú Yên đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm coi trọng. Tỉnh ta đã ban hành Chương trình hành động số 37 của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh 2144 thực hiện Chương trình hành động số 37 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH- HĐH và Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Yên đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020… Nhận thức về bảo vệ môi trường trong các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh được nâng lên, mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường đã từng bước được khắc phục và hạn chế, công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đã đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt. Nhân Ngày Môi trường thế giới năm nay là dịp để chúng ta nhìn nhận lại kết quả thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Yên đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, từ đó có biện pháp khắc phục những tồn tại, vận động nhân dân thực hiện tốt hơn nữa chiến lược phát triển kinh tế- xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.
Đối với chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay, chúng ta cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch, các giải pháp về sử dụng hợp lý đất và cải thiện chất lượng môi trường đất bằng các phương pháp canh tác hợp lý, các biện pháp bảo vệ đất, hạn chế sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng các phương pháp sinh học, tăng diện tích trồng cây chắn gió, khôi phục lại rừng ở đầu nguồn và trồng cây gây rừng phủ các đồi trọc; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường các dự án khai thác khoáng sản…
NGUYÊN TRƯỜNG