Sau những hậu quả hết sức nặng nề của cơn bão số 1 (còn gọi là bão Chanchu), cùng với những vấn đề được đặt ra như dự báo thời tiết, công tác cứu nạn, cứu hộ, vấn đề bảo hiểm cho các phương tiện hành nghề trên biển cũng hết sức bức thiết. Mặc dù Chính phủ đã có những qui định cụ thể về bảo hiểm tàu cá, đến nay ngư dân vẫn chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này.
Trước đây Chính phủ đã có Nghị định 72/CP bắt buộc các chủ tàu cá phải mua bảo hiểm thân tàu và thuyền viên. Năm 2005, Chính phủ lại ban hành Nghị định 66/CP qui định chỉ có thuyền viên mới bắt buộc mua bảo hiểm. Thế nhưng phần lớn tàu cá ở Phú Yên lại chưa tham gia bảo hiểm. Theo thống kê sơ bộ trong số hơn 3800 tàu cá của ngư dân Phú Yên hiện chỉ có 312 tàu tham gia bảo hiểm tại Bảo Việt Phú Yên, 100 tàu tham gia tại Bảo Minh và một số ít tham gia tại các đơn vị bảo hiểm khác. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm của các thuyền viên hiện cũng rất hiếm hoi. Lý giải về hiện tượng này, các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng do nhận thức của ngư dân về việc bảo hiểm còn nhiều hạn chế. Trong khi đó sự phối hợp giữa nhà bảo hiểm với các đơn vị liên quan nhất là các đồn biên phòng lại chưa chặt chẽ. Theo qui định, tất cả các loại tàu thuyền mỗi khi ra biển phải xuất trình các loại giấy tờ, trong đó có bảo hiểm thuyền viên cho lực lượng biên phòng. Thế nhưng ngoài Đồn biên phòng 352 ở cửa biển phường 6 thực hiện nghiêm qui định này, các đồn biên phòng còn lại thường bỏ qua chứng nhận bảo hiểm hoặc chưa kiểm soát hết lượng tàu thuyền ra biển vì chủ tàu lợi dụng bãi ngang cố tình trốn tránh.
Hiện còn rất ít tàu cá ở Phú Yên tham gia bảo hiểm - Ảnh: Hoài Trung
Nhiều ngư dân cho biết các điều khoản bảo hiểm tàu cá còn quá rườm rà, phức tạp. Bên cạnh đó, phí bảo hiểm tương đối cao, bình quân một tàu có công suất từ 100 CV đến 120 CV nếu tham gia bảo hiểm toàn bộ bao gồm vật chất tàu, trách nhiệm dân sự của chủ tàu và thuyền viên phải mất khoảng 6,5 triệu đồng/năm. Hiện nay, nghề biển đang gặp khó khăn do chi phí tăng cao nên việc phải tốn thêm một khoản tiền bảo hiểm là thêm một gánh nặng cho chủ tàu. Ngoài ra nhiều ngư dân còn than phiền mặc dù tàu đã được tham gia bảo hiểm nhưng khi phương tiện bị chết máy phải thuê các tàu khác “dìu” về đất liền, doanh nghiệp bảo hiểm lại không thanh toán số tiền này.
Theo Phó Giám đốc Bảo Việt Phú Yên Nguyễn Hữu Thanh đây là vấn đề đau đầu của các nhà bảo hiểm. Theo thông lệ quốc tế các doanh nghiệp chỉ bảo hiểm cho những rủi ro không thể biết trước như thiên tai, đâm va, cháy nổ… còn những hư hỏng do hao mòn trong quá trình sử dụng thì không được bảo hiểm. Do vậy các trường hợp chết máy của tàu cá nằm ngoài phạm vi bảo hiểm nên chỉ được hỗ trợ nhân đạo từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Điều này ngư dân cũng biết qua các điều khoản bảo hiểm nhưng khi tổn thất xảy ra, chủ tàu vẫn cố níu kéo bảo hiểm để bù đắp lại phần nào chi phí đã bỏ ra. Về mức phí bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng nếu tính toán hợp lý hơn, các chủ tàu đều có thể tham gia bảo hiểm. Với số tiền bảo hiểm từ 6 triệu đến 7 triệu đồng cho một con tàu, nếu chia đều cho mỗi ngày trong năm chủ tàu chỉ mất có 17000 đồng mỗi ngày để bảo hiểm cho một khối tài sản lớn và hơn cả là tính mạng của nhiều con người khi phải đối mặt với những hiểm nguy của biển cả. Nếu chủ tàu nào xem tiền bảo hiểm như là một khoản trong chi phí sản xuất và sau mỗi chuyến biển có lãi trích lại một khoản tiền nào đó thì vấn đề bảo hiểm phương tiện coi như đã được giải quyết.
Xu thế hiện nay của ngư dân là đầu tư một số tiền lớn để đóng những con tàu có công suất trên 100 CV vươn ra các ngư trường xa. Nếu tai nạn, rủi ro xảy ra như những gì đã đến với ngư dân trong cơn bão Chanchu vừa qua, những mất mát về người và của của các chủ tàu sẽ rất lớn. Do vậy tham gia bảo hiểm tàu cá là một trong những giải pháp giúp cho ngư dân có thể yên tâm hơn và hạn chế những rủi ro có thể xảy ra khi hành nghề trên biển.
HOÀI TRUNG