Nhờ gắn kết 3 nội dung: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi – Hướng dẫn cách làm ăn - Giải ngân vốn tín dụng, chương trình xóa đói giảm nghèo đã phát huy tác dụng rõ rệt, thực sự giúp dân, nhất là dân nông thôn, của Phú Yên thoát khỏi đói nghèo.
Hàng ngàn hộ nông dân nghèo được hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi.
Xuất phát điểm” của anh Nguyễn Chí Quốc ở thôn Thạnh Hội xã Sơn Hà, là một hộ nông dân nghèo. Những năm trước, cuộc sống của gia đình anh rất vất vả. Ước mơ có bò cày, có nhà ngói, cơm ăn no bụng cứ là ước mơ. Đến năm 2002, anh Quốc vay được 3 triệu từ nguồn XĐGN, mua một con bê và một con heo. Cùng với việc khai khẩn đất hoang, anh áp dụng những phương pháp kỹ thuật học được từ cán bộ khuyến nông vào sản xuất trên mảnh đất của mình thâm canh mía và thuốc lá. Nhờ vậy, cứ đến mùa thu hoạch gia đình anh Quốc thu lãi vài triệu đồng, lại có lúa ăn giáp hạt. Khi con bê lớn, anh đem bán, có lãi, trả nợ vay và tiếp tục mua thêm hai con bê khác về nuôi. Nhờ đồng vốn của Nhà nước, gia đình anh Quốc thoát nghèo, từng bước phát triển ổn định.
Trong 5 năm qua, thông qua các chương trình phát triển kinh tế, nhiều công trình, hạ tầng cơ sở ở các xã miền núi từng bước hoàn chỉnh và đáp ứng được nhu cầu sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Các dự án XĐGN, các kênh, chương trình mục tiêu quốc gia… cũng đã hướng dẫn, giúp dân thoát nghèo… Trong 5 năm qua, tỉnh đã cho 64.480 lượt hộ nghèo vay vốn hàng trăm tỉ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi, và hoạt động các ngành nghề; tạo cho hàng chục ngàn lao động có việc làm mới, các hộ nghèo có nguồn thu nhập ổn định và được thoát nghèo…
Từ 2001- 2005, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh theo tiêu chí cũ giảm từ 15,32% xuống còn 5,12%. Đặc biệt tỉ lệ hộ nghèo miền núi giảm từ 26,27% xuống còn 11,29%. Trong 4 năm, từ 2002-2005, toàn tỉnh xây dựng được 5483 nhà ở cho hộ nghèo, hộ dân tộc và hộ chính sách với tổng kinh phí trên 46 tỉ đồng. Có 36 xã, phường đã cơ bản hoàn thành xoá nhà ở tạm cho hộ nghèo. Kết quả XĐGN của Phú Yên được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao và về đích trước một năm so với Nghị quyết 13 của đảng bộ tỉnh đề ra.
Ở các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn các xã nghèo ven biển được tập trung đầu tư tương đối toàn diện về cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội và phục vụ sản xuất. Hàng trăm km đường giao thông nông thôn được mở rộng, nâng cấp; hàng chục km đường điện được xây dựng, nhiều công trình thuỷ lợi nhỏ, nước sạch nông thôn, trường học, chợ, trạm xá… được đầu tư xây dựng… tạo điều kiện cho người dân yên tâm ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển kinh tế.
Đặc biệt, trong 4 năm triển khai thực hiện đề án xoá nhà tạm cho hộ nghèo, cả xã hội đã quan tâm đến và trở thành một phong trào xã hội hoá trong cộng đồng, giúp hàng ngàn hộ nghèo có nơi an cư. Ông Nguyễn Lãnh, ở thôn Thọ Lộc, xã Xuân Bình (huyện Sông Cầu) khi về nhà mới đã không kìm được những dòng nước mắt hạnh phúc. Hơn 60 tuổi, hai vợ chồng ông mới có được cảm giác sống trong một ngôi nhà thực sự,
Sự gắn kết 3 hoạt động: chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng - Hướng dẫn cách làm ăn - Giải ngân vốn tín dụng của chương trình XĐGN đã thực sự giúp dân thoát nghèo.
Ông Lê Kim Anh, phó Chủ tịch UBND tỉnh: Để giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 9%. 100% người nghèo khi đau ốm được khám chữa bệnh miễn phí; cơ bản xoá xong nhà tạm vào năm 2010, tỉnh cần thực hiện 6 giải pháp: Tập trung kiện toàn ban chỉ đạo XĐGN và XNƠT các cấp, đẩy nhanh công tác tuyên truyền, mở rộng phạm vi và đối tượng vận động nhằm thu hút nhiều nguồn lực, phân bổ đúng hướng và có sự ưu tiên theo chương trình; thực hiện phương châm phát huy nội lực của gia đình, nhà nước và cộng đồng đóng vai trò hỗ trợ, thực hiện mục tiêu XĐGN và XNƠT đồng thời phải thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội…
KIM CHI