Thứ Hai, 30/09/2024 04:38 SA
Khơi thông nguồn vốn kích cầu
Bài 2: Cơ hội vàng
Thứ Sáu, 13/03/2009 14:31 CH

Các chính sách kích cầu đang đáp ứng sự mong đợi của nhiều tổ chức, cá nhân. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai việc cho vay hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh tín dụng, hàng ngàn khách hàng ở Phú Yên đủ điều kiện thụ hưởng chính sách ưu đãi đã tiếp cận vốn giá rẻ. Có trên 500 tỉ đồng tung ra thị trường đang tạo ra luồng sinh khí mới cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, là động lực để kích cầu lao động và kích cầu tiêu dùng.

 

 

vay-von-8090313.jpg

Khách hàng vay vốn tại Vietinbank Phú Yên - Ảnh: Q.THUẦN

 

THÚC ĐẨY SẢN XUẤT

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bá Lộc nhấn mạnh: “Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ 4% lãi suất không chỉ tác động tích cực đến tình hình sản suất kinh doanh và còn giải quyết phần lớn lao động có nguy cơ mất việc làm. Chỉ riêng lãnh vực nông – ngư nghiệp và sản xuất hạt điều xuất khẩu đã giải quyết việc làm ổn định cho trên 30.000 lao động thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất”.   

Đến thời điểm này việc cho vay hỗ trợ 4% lãi suất đã triển khai hơn một tháng. Theo số liệu thống kê từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh đã giải ngân gần 900 tỉ đồng cho trên 7.600 doanh nghiệp, hộ sản xuất vay. Nguồn vốn này đang tạo ra một luồng gió mới, giúp cho nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất phục hồi và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Ông Lê Quốc Trịnh, Chủ DNTN Bình Nguyên (Đông Hòa) phấn khởi nói: “Được hỗ trợ lãi suất với mức 4%/năm, tức giảm đến một nửa so với mức lãi suất 8%/năm mà hiện nhiều ngân hàng thương mại đang áp dụng trong cho vay vốn lưu động là một thuận lợi rất lớn đối với doanh nghiệp. Chúng tôi đang khẩn trương lên kế hoạch vay vốn theo chế độ được hỗ trợ một cách nhanh nhất để chớp lấy “cơ hội vàng”, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, lấy lại thị phần đã bị suy giảm ít nhiều trong năm sản xuất kinh doanh đầy khó khăn vừa qua”.

 

Đại diện Công ty cổ phần Kinh doanh nông sản xuất khẩu An Bình (TP Tuy Hòa) thì khẳng định: Việc được hỗ trợ vay vốn lưu động giúp doanh nghiệp nâng giá mua nguyên liệu cho nông dân, đồng thời cũng tạo cơ hội nâng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. An Bình cũng đã nhận được thông báo của ngân hàng bạn hàng về thủ tục vay vốn theo chế độ hỗ trợ lãi suất. Việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất khá nhanh của ngân hàng càng khiến doanh nghiệp thêm niềm tin.

 

Phú Yên hiện có trên 1.400 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có đến 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đăng ký nhiều ngành nghề khác nhau, nguồn vốn đăng ký kinh doanh bình quân chỉ 2,6 tỉ đồng/doanh nghiệp. Theo các chuyên gia tài chính, việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, ngoài mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nên tính đến việc tái cấu trúc lại nguồn tài chính của mình. Chỉ đầu tư vào những ngành hàng thực sự có hiệu quả dựa theo thế mạnh của mình, chuyển từ tăng trưởng số lượng sang chất lượng. Ông Nguyễn Công, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư – Phát triển (BIDV) tại Phú Yên cho biết: “Hiện nay, ngoài việc triển khai cho vay hỗ trợ 4% lãi suất cho 118 khách hàng với doanh số đăng ký 2.263 tỉ đồng, BIDV còn tư vấn cho doanh nghiệp cơ cấu lại tài chính thông qua chín nhóm giải pháp như: cơ cấu lại nợ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, góp vốn đầu tư với doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực… nhằm giúp doanh nghiệp không chỉ vượt khó trước mắt mà còn phát triển lâu dài”.

 

Không chỉ có doanh nghiệp chuẩn bị dự án, phương án sản xuất kinh doanh mới mà hàng ngàn hộ sản xuất tại các vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh cũng đang hồ hởi đón nhận vốn vay. Hộ ông Lê Văn Tịnh ở xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) vừa vay 50 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) Phú Yên để sửa sang lại chuồng trại đầu tư chăn nuôi heo, gà. Ông phấn khởi nói: “Lãi suất chỉ còn 1/3 so với thời điểm giữa cuối năm 2008, dù thời gian hỗ trợ chỉ kéo dài tám tháng, nhưng đây thực sự là điều kiện tốt để tôi tái đầu tư chăn nuôi. Tại sao không chớp lấy “cơ hội vàng” để làm ăn, tăng thu nhập gia đình”.

 

Theo các ngân hàng thương mại, đa số doanh nghiệp, hộ sản xuất ở Phú Yên hiện đang vay vốn lưu động với lãi suất 10%/năm. Được Chính phủ hỗ trợ bù cho 4% lãi suất là cơ hội tốt để doanh nghiệp, hộ sản xuất giảm chi phí sản xuất, tăng cường sức cạnh tranh, đặc biệt là doanh nghiệp có thêm điều kiện thực hiện chiến lược mở rộng thị trường trong nước, chia sẻ bớt khó khăn đầu ra từ phía thị trường xuất khẩu bị giảm sút.

 

cong-nghiep090313.jpg
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty Phú Sơn - Ảnh: Q.THUẦN

 

KÍCH CẦU LAO ĐỘNG

 

Ngoài mục tiêu trực tiếp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, các gói kích cầu của Chính phủ còn hướng tới nhiều mục tiêu gián tiếp khác, trong đó phải kể đến kích cầu lao động và kích cầu tiêu dùng nhằm tạo ra sự ổn định kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

 

Hiện tất cả các ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đều có dư nợ cho vay theo gói kích cầu của Chính phủ. Trong đó, khối ngân hàng thương mại quốc doanh có số dư cao nhất: trên 842 tỉ đồng. Các ngành có số dư cao khác gồm: nông – lâm – ngư nghiệp (430 tỉ đồng); công nghiệp chế biến: 147 tỉ đồng...  Trên cơ sở được hỗ trợ vốn, nhiều doanh nghiệp đã khẩn trương xây dựng lạ hoặc thiết kế mới các dự án và phương án kinh doanh. Nhu cầu sản xuất tăng, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng lao động tăng lên, tình hình người lao động thiếu việc làm đang từng bước được cải thiện. Ông Nguyễn Hữu Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Vinh Tâm cho biết, được hỗ trợ lãi suất nên vốn vay kinh doanh của doanh nghiệp hiện chỉ phải hạch toán trả lãi 5%/năm, thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Đây là cơ sở để doanh nghiệp thực hiện phương án tái sản xuất một số mặt hàng đã phải tiết giảm trong thời gian vừa qua; mở rộng sản xuất nên phải tuyển thêm lao động vào. Tại các khu công nghiệp như Hòa Hiệp, An Phú, Đông Bắc Sông Cầu, nhiều doanh nghiệp thông báo gọi lao động vào làm việc trở lại. Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu gỗ mỹ nghệ Phú Sơn (KCN Đông Bắc Sông Cầu) vừa tìm lại được nhiều hợp đồng sản xuất kinh doanh, nên số lao động tăng lên gần 500 người. Được hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động, cơ cấu giá thành sản phẩm giảm hợp lý hơn, đầu ra cho sản phẩm lại được tăng thêm, càng khiến cầu lao động sôi động trở lại những ngày đầu năm 2009.

 

Đại diện Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cho biết, năm 2008 có hàng chục doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm công nhân. Nhưng từ đầu tháng 2 đến nay, chương trình kích cầu đầu tư bằng cho vay hỗ trợ lãi suất, giảm - giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế VAT đối với 19 nhóm mặt hàng… đã kích hoạt sản xuất, nhờ đó mà thu hút trở lại lượng lớn lao động đang mất việc làm. Qua khảo sát cho thấy 2/3 số doanh nghiệp cắt giảm nhân công thời điểm cuối năm 2008 đang có nhu cầu tuyển dụng lao động trở lại.

 

QUANG THUẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek