Thứ Tư, 27/11/2024 04:35 SA
Khơi thông nguồn vốn kích cầu
Bài 3: Vẫn còn vướng mắc
Chủ Nhật, 15/03/2009 08:29 SA

Các gói giải pháp kích cầu của Chính phủ đang dần đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà chính sách mang lại, trong quá trình triển khai thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời.

 

vay-von-090314.jpg

Chính những rào cản trong chính sách hỗ trợ lãi suất khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng - Ảnh: Q.THUẦN

 

VƯỚNG CƠ CHẾ HỖ TRỢ

 

Hướng dẫn mới nhất của NHNN ghi rõ: Việc giảm trừ số lãi tiền vay hỗ trợ lãi suất được thực hiện đồng thời với việc thu lãi tiền vay của ngân hàng thương mại. Trường hợp đến kỳ hạn thu lãi tiền vay mà khách hàng chưa có khả năng trả nợ lãi thì chưa thực hiện việc giảm trừ số lãi tiền vay hỗ trợ lãi suất.

Không ít doanh nghiệp ngần ngại vay vốn, có không ít trường hợp đang gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng bởi những quy định quá chặt chẽ của Quy chế hỗ trợ lãi suất. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nguyên nhân khiến họ chưa hưởng được hết chính sách ưu đãi là do chủ trương của gói hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn ngân hàng này chủ yếu tập trung cho phát triển sản xuất mới, không hỗ trợ lãi suất cho món vay cũ. Hạn mức vay cũng chỉ được phép trong phạm vi vốn lưu động hàng năm hoặc chu kỳ sản xuất mà doanh nghiệp cần và chỉ xét cho vay khi hạn mức này trống (tức là doanh nghiệp trả nợ đã vay được bao nhiêu thì ngân hàng xét cho vay lại bấy nhiêu). Về phía đối tượng được hưởng ưu đãi, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng nợ cũ quá nhiều, hàng hóa không bán được nên không thể thanh toán nợ để trống hạn mức.

 

Với quy định nêu trên, sẽ có nhiều doanh nghiệp không được hưởng gói hỗ trợ này. Vì có nhiều doanh nghiệp đã vay tiền từ năm 2008 để mua hàng dự trữ phục vụ sản xuất, hiện nay lượng hàng tồn kho do bán chậm, sản xuất cầm chừng. Vì vậy, không thể trả nợ ngân hàng để vay khoản mới. Ông Lê Xuân Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Vinh cho rằng, khi lãi suất cao thì chi phí sản xuất sẽ đội lên và tạo sức ép cho doanh nghiệp. Ngân hàng chỉ hỗ trợ lãi suất đối với những hợp đồng vay mới theo thời hạn quy định, trong khi doanh nghiệp đã vay hai tháng trước đó cũng với mục đích sản xuất, kinh doanh của năm 2009. Muốn được hỗ trợ lãi suất, thì doanh nghiệp phải trả nợ cũ rồi làm thủ tục vay mới. Năm qua doanh nghiệp rất mệt mỏi với áp lực lãi suất và nếu phải thu hồi vốn để trả nợ cũ để vay mới thì rất khó. Được giảm và hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp rất mừng, tuy nhiên, những ràng buộc của ngân hàng hiện nay sẽ làm nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn.

 

VƯỚNG CƠ CHẾ BẢO LÃNH

 

Không chỉ khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn vay ưu đãi, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Phú Yên thiếu thông tin hoặc còn đang băn khoăn về nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng. Theo Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng thương mại, đối tượng được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) bảo lãnh vay vốn là doanh nghiệp các thành phần kinh tế (kể cả hợp tác xã) có vốn điều lệ tối đa 20 tỉ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động. Việc bảo lãnh không áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực tư vấn, kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán, dịch vụ, vay vốn để thanh toán nợ vay các hợp đồng tín dụng khác. Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Tuxonilo (KCN An Phú) nói: “Tôi chỉ mới nghe thông tin về hỗ trợ lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn chưa vay được vốn vì không có tài sản thế chấp. Còn thông tin về nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng thì chưa hề biết”.

 

Ông Bùi Xuân Khương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần An Hưng nói: “Khủng hoảng kinh tế thế giới, thành phần kinh tế nào cũng bị tác động. Vì vậy, nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng này rất được doanh nghiệp quan tâm và hưởng ứng. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may như An Hưng, muốn ký được hợp đồng với các đối tác nước ngoài thì phải sử dụng trên 1.000 lao động, trong khi đó quy chế bảo lãnh chỉ cho phép doanh nghiệp sử dụng tối đa 500 lao động. Quy định này khiến cho doanh nghiệp không được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ”. Cùng quan điểm với ông Khương, ông Lê Luân – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh băn khoăn: Hiện Phú Yên có 140 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó 70% là hợp tác xã nông nghiệp. Đa số hợp tác xã đều có nợ đọng trong xã viên và kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp, nhưng theo quy định đơn vị nào nợ đọng và kinh doanh dịch vụ thì không thuộc phạm vi bảo lãnh. Và như vậy, các hợp tác xã nông nghiệp sẽ không thể nào được hưởng quy chế bảo lãnh để vay vốn ngân hàng.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng ban Bảo lãnh hỗ trợ sau đầu tư và quản lý vốn ủy thác Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) nói: “Việc triển khai nghiệp vụ bảo lãnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã vay vốn là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. VDB tiếp thu những ý kiến của phía doanh nghiệp và trình lên Bộ Tài chính để xem xét tháo gỡ trong thời gian sớm nhất”.  

 

may-3090314.jpg

Lao động đang làm việc tại một doanh nghiệp may ở Phú Yên - Ảnh: Q.THUẦN

 

ĐỪNG ĐỂ “MỠ TREO MIỆNG MÈO”...

 

Qua tìm hiểu, quá trình triển khai các gói giải pháp kích cầu của Chính phủ nảy sinh ra nhiều vấn đề phức tạp, hạn chế, đòi hỏi phải xử lý kịp thời. Theo quy định, để được thụ hưởng 4% lãi suất, doanh nghiệp và hộ sản xuất phải có hóa đơn chứng từ hợp lệ chứng minh nguồn vốn được hỗ trợ sử dụng đúng mục đích vào những lĩnh vực ưu đãi. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp ở đây là việc mua bán cây, con giống, nguyên vật liệu của nhiều hộ sản xuất và doanh nghiệp lại không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, nhất là những doanh nghiệp chuyên mua gom các loại nông nông - thủy sản, vật liệu phế thải. Nông dân Trần Văn Phách ở xã Hòa Bình 2 (huyện Tây Hòa) băn khoăn nói: “Việc mua hay bán vài ba con bò, con heo, bao thức ăn hay chai thuốc trừ sâu làm gì có hóa đơn chứng từ. Nếu làm như quy định của ngân hàng thì chắc chắn nông dân chúng tôi không thể nào vay được vốn lãi suất ưu đãi”. Đại diện DNTN Song Huy (TP Tuy Hòa) cho biết: “Doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất sắt thép. Để có nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, doanh nghiệp phải đi mua gom từ các điểm mua bán sắt phế liệu nhỏ lẻ và thường không có hóa đơn chứng từ. Chính điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất”.

 

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho phép cán bộ tín dụng các ngân hàng thương mại thỏa thuận với những hộ sản xuất, doanh nghiệp không có khả năng thể hiện hóa đơn, chứng từ đầu vào lập biên bản kiểm tra tại chỗ để xác nhận cụ thể những chi phí sản xuất phù hợp với giá trị tài sản thực tế được hình thành từ vốn vay. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Ninh, Giám đốc Agribank Phú Yên thì công việc này không dễ dàng vì lượng khách hàng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất quá lớn, trong khi lực lượng cán bộ tín dụng lại quá mỏng.

 

Theo NHNN Phú Yên, vấn đề quan trọng ở đây là sự thỏa thuận xác nhận giữa cán bộ tín dụng và bên vay vốn có thực sự khách quan. “Chỉ cần một thỏa thuận “ngầm” giữa cán bộ tín dụng với bên vay vốn thì phần lãi suất được hỗ trợ bị trục lợi và tiêu cực sẽ xảy ra. “Mỡ treo miệng mèo” không ai biết trước được điều gì” – lãnh đạo một ngân hàng thương mại lo lắng.

 

Ngoài ra, lãi suất sau khi hỗ trợ hiện chỉ còn 4% - 6%, thậm chí có ngân hàng chỉ còn 1% - 2%. Doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này vay vốn và lấy tiền vay lãi suất thấp để sử dụng vào mục đích cho vay lại, thậm chí quay vòng gửi vào ngân hàng để lấy lãi suất cao hơn. Một số chuyên gia ngân hàng cho rằng, đây là một trong nhiều khả năng rất có thể xảy ra, vì thế vai trò kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay của các ngân hàng thương mại là rất quan trọng. Lường trước vấn đề này, trong hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất, BIDV đã dành phần lớn nói về công tác kiểm tra, giám sát và các chế tài nếu tiêu cực xảy ra. Lãnh đạo các ngân hàng thương mại đều nhận định, tiêu cực có thể phát sinh ngay từ cán bộ ngân hàng và cả từ phía các doanh nghiệp.

 

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN Việt Nam cho biết: “Việc kiểm tra, giám sát trong quá trình vay vốn là quyền và trách nhiệm của cán bộ tín dụng. Đây là yếu tố quan trọng để làm cơ sở ký hợp đồng hỗ trợ lãi suất. Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ lãi suất phải thực hiện đúng chế độ hoạch toán, kế toán do Bộ Tài chính quy định; đối với những hộ kinh doanh cá thể có đóng thuế nên làm việc với ngành thuế địa phương để thống nhất về mặt chứng từ. Hộ sản xuất khi bán nông sản, thực phẩm cho doanh nghiệp thì phải sử dụng biên bản kê khai để xác định chi phí sản xuất, kinh doanh”.

 

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu yêu cầu: Hệ thống ngân hàng Phú Yên tiếp tục triển khai quyết liệt, đúng quy định chương trình hỗ trợ lãi suất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước – trong và sau khi cho vay nhằm tránh tình trạng sai sót, tiêu cực để đồng vốn ưu đãi của Nhà nước phát huy hiệu quả. Chính sách hỗ trợ lãi suất chắc chắn sẽ tác động đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp, vì vậy các ngân hàng phải quán triệt tư tưởng cho mỗi cán bộ của mình, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2009, vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

 

QUANG THUẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek