Gói kích cầu trị giá 17.000 tỉ đồng, cộng với chính sách bảo lãnh tín dụng và giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp của Chính phủ đang phát huy tác dụng. Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn Phú Yên được hưởng lợi từ những gói giải pháp này. Sự đón nhận và hưởng ứng của các thành phần kinh tế cũng như sự “mạnh tay” của ngân hàng được kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh..
Hệ thống Agribank triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất từ doanh nghiệp đến hộ sản xuất - Ảnh: Q.THUẦN
LÃI SUẤT QUÁ... ƯU ĐÃI
Đến thời điểm này, tất cả các ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đều chuẩn bị kỹ về nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng vay thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo Quyết định 131 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Ninh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) tại Phú Yên cho biết: “Agribank sẽ dành khoảng 2.000 tỉ đồng để cho vay hỗ trợ 4% lãi suất, đối tượng được thụ hưởng chính sách này trải rộng từ doanh nghiệp cho đến hộ sản xuất nhỏ lẻ tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Lãi suất sau khi được hỗ trợ thấp nhất chỉ còn 1,5%/năm (tương đương 0,125%/tháng) đối với khách hàng là doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu. Các đối tượng khách hàng khác hưởng mức lãi suất còn từ 5% - 6,5%/năm”.
Lãi suất sau khi được hỗ trợ tại Ngân hàng Đầu tư – Phát triển (BIDV), Công thương (Vietinbank), Ngoại thương (Vietcombank) cũng chỉ còn ở mức 4% - 5%/năm…
Đại diện Công ty TNHH Bá Hải nói: Là doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu thủy sản có vốn lưu động hàng tỉ đồng nên công ty hiểu rõ việc tăng, giảm lãi suất. Được ưu đãi giảm lãi suất quả là điều hết sức lý tưởng. Chỉ cần làm phép tính đơn giản với 1 tỉ đồng vốn vay trong 10 tháng chí ít cũng đã thu được trên 30 triệu, thay vì trước đó phải chi ra cả vài trăm triệu đồng, quả là hiệu quả.
Điều đáng ghi nhận là các ngân hàng không xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng riêng cho gói kích cầu, mà căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng huy động vốn, hệ thống các ngân hàng thương mại sẽ có sự hỗ trợ kịp thời không để tình trạng doanh nghiệp thiếu vốn. Lãnh đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đều cam kết đủ vốn đáp ứng cho vay theo nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ sản xuất. Nhiều đơn vị đã tổ chức các “chiến dịch” nhằm tiếp cận sâu, rộng các đối tượng khách hàng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Ông Nguyễn Công, Giám đốc BIDV Phú Yên cho biết: “Ngay sau khi có Quyết định 131, BIDV Phú Yên đã tiếp cận ngay các doanh nghiệp là khách hàng của mình nhằm cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc, công khai về chủ trương, chính sách và các cơ chế cho vay ưu đãi để doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vốn giá rẻ”.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã đơn giản hóa thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đưa ra các gói sản phẩm mới nhằm giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Ông Trần Kim Hiếu, Phó Giám đốc Vietinbank Phú Yên cho biết: “Vietinbank xác định cơ hội của doanh nghiệp chính là cơ hội của ngân hàng, nên khi có chủ trương, phía ngân hàng triển khai ngay. Chỉ trong vòng hơn nửa tháng, Vietinbank đã giải ngân hơn 110 tỉ đồng cho 180 khách hàng vay vốn. Trong đó có 46 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã. Hiện nguồn vốn tại Vietinbank rất dồi dào và đang tiếp tục tìm kiếm khách hàng để giải ngân hết vốn”.
Ngoài việc triển khai cho vay ưu đãi lãi suất theo gói kích cầu, các ngân hàng thương mại còn phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Phát triển (VDB) tại Phú Yên triển khai nghiệp vụ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo Quyết định 14/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo các chuyên gia tài chính, đây là hình thức hỗ trợ quan trọng đối với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp không có tài sản thế chấp tiếp cận được vốn ngân hàng. Điều này cũng có nghĩa là giúp cho các ngân hàng thương mại đưa vốn ra thị trường nhiều hơn, an toàn hơn. “VDB Phú Yên đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành để việc bảo lãnh tín dụng thực hiện đúng quy định. Nếu doanh nghiệp có dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi doanh nghiệp muốn vay vốn ở ngân hàng thương mại nào chúng tôi sẽ cấp chứng thư bảo lãnh để doanh nghiệp vay được vốn trong thời gian sớm nhất theo yêu cầu của doanh nghiệp” – Ông Lê Minh Thư, Giám đốc VDB Phú Yên khẳng định.
Giao dịch tại Sacombank Phú Yên - Ảnh: Q.THUẦN
KHÔNG CHỈ GIẢI CƠN KHÁT VỐN
Có thể nói, việc Chính phủ triển khai đồng loạt các nhóm giải pháp kích cầu đang giúp nhiều doanh nghiệp được hưởng “lợi đơn, lợi kép”. Một doanh nghiệp có thể cùng lúc hưởng ba chính sách ưu đãi khác nhau, từ việc được hỗ trợ 4% lãi suất, được bảo lãnh vay vốn mà không không cần phải thế chấp tài sản, được giảm và giãn thuế. Theo Thông tư hướng dẫn số 03 của Bộ Tài chính về việc giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thì doanh nghiệp đáp ứng một trong hai tiêu chí: Có vốn điều lệ không quá 10 tỉ đồng hoặc có số lao động sử dụng bình quân trong quý IV năm 2008 không quá 300 người, không kể lao động có hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng. Nội dung thông tư ghi rõ: Doanh nghiệp được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV năm 2008 và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2009. Ngoài DNNVV, các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày (không được giảm thuế) cũng được gia hạn nộp thuế. Thời gian gia hạn nộp thuế là 9 tháng kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định.
NHNN vừa công bố thêm một số quy định về thực hiện cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Theo đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải tăng cường kiểm toán nội bộ với những khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất. Nếu phát hiện có dấu hiệu lợi dụng cơ chế để trục lợi thì ngừng cho vay đồng thời báo cáo cho Chi nhánh NHNN tỉnh để thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải lập giấy xác nhận hỗ trợ vay vốn, trong đó có những thông tin chi tiết về khách hàng, khoản vay, thời điểm vay, lãi suất phải trả…Đây sẽ là chứng từ để kiểm tra, giám sát và lập báo cáo tình hình thực hiện hỗ trợ lãi suất tiền vay.
Hiện tại, thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) cũng giảm xuống một nửa cho 19 nhóm mặt hàng, dịch vụ trong năm 2009. Việc giảm thuế này cũng nằm trong chủ trương gói kích cầu của Chính phủ nhằm kích thích người tiêu dùng cũng như đầu tư sản xuất. Các nhóm hàng được giảm thuế gồm: than đá, hóa chất cơ bản, sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, phương tiện vận tải, các loại phụ tùng cũng như các sản phẩm cho sản xuất. Hiện tại, giảm và giãn thuế đã được áp dụng rộng rãi tại Phú Yên. Theo các chuyên gia tài chính, có thể nhiều trăm tỉ đồng thu ngân sách từ ngành thuế sẽ bị “hao hụt”, nhưng cái được lớn nhất từ những chính sách này, theo các doanh nghiệp, chính là làm nhẹ bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và tin tưởng vào sự đồng hành của Nhà nước hơn.
Bà nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng ban Bảo lãnh hỗ trợ sau đầu tư và quản lý vốn ủy thác VDB cho biết: “Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, hợp tác xã lâu nay là vấn đề minh bạch tài chính và tài sản thế chấp. Vì vậy việc mở rộng đối tượng được bảo lãnh lần này là cơ hội để cho doanh nghiệp, hợp tác xã giải cơn “khát” vốn, có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh”. Còn theo ông Nguyễn Duy Hiệu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên thì, ngoài việc được bảo lãnh vay vốn, doanh nghiệp còn được hỗ trợ 4% lãi suất nếu như doanh nghiệp đó hoạt động trên các lĩnh vực trong phạm vi áp dụng quy định về hỗ trợ lãi suất.
Ông Lương Tấn Thái, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa) hồ hởi nói: “Lâu nay việc tiếp cận vốn vay ngân hàng là vấn đề quá sức đối với hợp tác xã chỉ vì không có tài sản thế chấp. Cũng vì khó tiếp cận vốn mà chúng tôi bỏ lỡ nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỉ đồng. Nay vừa được bảo lãnh vay vốn ngân hàng, vừa hưởng lãi suất ưu đãi và giảm thuế, chúng tôi yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh. Vấn đề còn lại là tìm đầu ra cho sản phẩm”.
Gói kích cầu kinh tế thông qua lãi suất, nghiệp vụ bảo lãnh có ý nghĩa hết sức thiết thực nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Bá Lộc yêu cầu: Các tổ chức tín dụng, các đơn vị liên quan và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần thực hiện nghiêm túc, kịp thời nhằm khơi thông “dòng vốn” đến đúng đối tượng. Phía các doanh nghiệp cũng xem đây là cơ hội để vượt khó nên phải chuẩn bị lộ trình sản xuất, kinh doanh tốt nhất để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khuếch trương thương hiệu ra thị trường.
QUANG THUẦN