Thời gian qua, một số người chăn nuôi ở Phú Yên chưa nhận thức sâu sắc về hiệu quả của việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm nên ngành Thú y gặp khó khăn. Năm 2009, UBND tỉnh đề ra kế hoạch tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đạt 100%. Để đạt được chỉ tiêu trên, các địa phương cần nỗ lực tuyên truyền vận động để người chăn nuôi nâng cao nhận thức.
Tiêm phòng vắc xin LMLM cho bò - Ảnh: LY KHA
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên Đỗ Thị Đậu cho biết, từ đầu năm 2009 đến nay, toàn tỉnh tiêm vắc xin lở mồm long móng (LMLM) cho 50.304 con bò, hơn 7.360 con heo, 737 con dê cừu. Chi cục Thú y đã cấp 99.225 liều vắc xin đa type và 13.150 liều type O để các địa phương tiêm phòng cho đàn gia súc. “Việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm gặp khó khăn, do người dân chưa nhận thức sâu sắc hiệu quả của công tác tiêm phòng”- bà Đậu nói.
Theo ông Hoàng Kim Chung, Trưởng trạm Thú y huyện Sông Hinh, người chăn nuôi vẫn còn quan niệm tiêm phòng vắc xin sẽ làm nóng trâu, bò, có người đưa ra điều kiện là sau khi tiêm phòng, nếu trâu, bò mắc bất cứ bệnh gì thì cán bộ thú y phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, mỗi đợt tiêm phòng, cán bộ thú y mất rất nhiều thời gian tuyên truyền, giải thích, thuyết phục. Ông Chung nói: Đối với các địa bàn xa, điều kiện đi lại khó khăn như xã Sông Hinh, Ea Bar, Ea Ly, chúng tôi tăng cường cán bộ thú y xuống cơ sở, phối hợp triển khai đồng bộ trong các đợt tiêm phòng. Kết quả tiêm phòng vắc xin LMLM đợt II/2008, 85% số dê, cừu, 65% số trâu, bò ở huyện Sông Hinh đã được tiêm phòng. Riêng tỉ lệ tiêm phòng vắc xin LMLM ở đàn heo thấp, do thói quen nuôi heo thả rông của đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch UBND xã Ea Bá Y Sách nói: “Xã đã thành lập tổ tiêm phòng và vận động tuyên truyền, nhưng vì bà con nuôi heo thả rông nên rất khó tiếp cận để tiêm phòng, nếu tiếp cận được thì khó đảm bảo kỹ thuật”. Năm 2009, để đạt chỉ tiêu 100% gia súc, gia cầm được tiêm phòng theo kế hoạch của UBND tỉnh, huyện Sông Hinh huy động cả hệ thống chính trị vào công tác vận động tuyên truyền.
Ở huyện Sông Cầu, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn heo chỉ chiếm 23%. Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Cầu Nguyễn Văn Luyện chỉ đạo từ nay đến ngày 15/2, các địa phương tiếp tục tiêm phòng cho số gia súc còn lại, đảm bảo chỉ tiêu được giao, đồng thời triển khai tiêm phòng tụ huyết trùng ở đàn bò và heo.
Đối với việc tiêm phòng cúm gia cầm, theo đánh giá của Chi cục Thú y Phú Yên, vẫn còn một số hộ chăn nuôi chưa thực sự tự giác chấp hành, gây khó khăn cho thú y cơ sở. Sau khi kết thúc tiêm phòng đợt II/2008 (ngày
Các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc cho gia súc, gia cầm: bệnh LMLM, tụ huyết trùng ở trâu, bò, heo; dịch tả ở heo, vịt; bệnh Niu cát xơn; bệnh dại ở chó. Riêng với bệnh cúm gia cầm, thực hiện theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn. Thời gian tiêm phòng: Đợt 1: từ tháng 1 đến tháng 2; tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm từ tháng 4 đến tháng 5. Đợt 2: từ tháng 6 đến tháng 7; tiêm phòng vắc xin phòng cúm gia cầm từ tháng 9 đến tháng 10. Vắc xin dại tiêm một lần trong năm, từ tháng 3 đến tháng 7. (Nguồn: UBND tỉnh)
MẠNH HOÀI