Ngày 1/1/2009, thời điểm áp dụng 3 chính sách xã hội quan trọng: Tăng lương tối thiểu cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp, thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, trích nộp phí Công đoàn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng 3 chính sách trên vào cùng thời điểm đầu năm 2009 sẽ làm tăng thêm chi phí của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị lùi thời điểm thực hiện tăng lương tối thiểu.
Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Đúng là vừa qua một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động gặp khó khăn đã kiến nghị Chính phủ xin lùi việc áp dụng tăng tiền lương tối thiểu từ 1/1/2009 đến 1/7/2009. Ủy ban Quan hệ lao động đã họp xem xét và cho rằng việc lùi thời gian thực hiện chính sách này theo kiến nghị của doanh nghiệp là không phù hợp, bởi người lao động đang trông chờ vào việc tăng lương tối thiểu này. Hơn nữa, đầu năm Bộ LĐTBXH cũng có thông báo và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện các chính sách trên. Đến nay, trừ các doanh nghiệp khó khăn, các doanh nghiệp khác đều có sự chuẩn bị để thực hiện ngay các chính sách này từ đầu năm 2009. Quan điểm của Ủy ban Quan hệ lao động, Bộ LĐTBXH là không nên lùi thời gian thực hiện tăng lương tối thiểu cho người lao động thêm nữa.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, Ủy ban Quan hệ lao động và Bộ đã đề nghị Chính phủ và được chấp nhận cho phép doanh nghiệp chậm nộp phần của doanh nghiệp trong khoản phí công đoàn và phí bảo hiểm thất nghiệp 1% vào 6 tháng cuối năm. Chậm nộp ở đây có nghĩa doanh nghiệp vẫn phải thực hiện từ đầu năm (1/1/2009) nhưng do doanh nghiệp có khó khăn nên cho phép lùi thời hạn nộp bù vào 6 tháng cuối năm. Việc giãn thời gian nộp hai khoản phí này sẽ giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp, trong khi vẫn triển khai chính sách tăng tiền lương tối thiểu từ đầu năm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thực trạng vừa qua có nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động việc làm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân xác nhận, hiện nay khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, quy mô sản xuất do không nhận được đơn đặt hàng. Chỉ tính riêng một số tỉnh phía Nam, phía Bắc nơi tập trung nhiều khu công nghiệp thì mấy tháng gần đây giảm trên 22.000 lao động, đây là số lao động vốn đã khó khăn nay lại mất việc. Bộ LĐTBXH đang tiếp tục khảo sát tình hình để báo cáo Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp giải quyết khó khăn cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Về việc liệu những lao động bị mất việc làm trong thời gian gần đây có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp ngay từ năm 2009, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bảo hiểm thất nghiệp mặc dù triển khai từ 1/1/2009 nhưng phải 1 năm sau mới có hiệu lực nên tất cả những đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009 thì sang năm 2010 mới được hưởng chế độ.
(chinhphu.vn)