Trước đây, cũng giống như hầu hết các địa phương khác, người trồng mía ở Đồng Xuân không chỉ lo về chất lượng, sản lượng mà còn phải chạy đôn chạy đáo để tìm đầu ra sau mỗi kỳ thu hoạch. Nay, nỗi lo ấy đã giảm đi phần lớn nhờ có HTX Long Hà (thị trấn La Hai) nỗ lực giúp nông dân tìm cách bán mía...
Nông dân Đồng Xuân thu hoạch mía - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Báo cáo tổng kết công tác chế biến mía đường và sắn niên vụ 2007-2008 và định hướng điều hành vụ 2008-2009 của Ban Điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên nêu rõ: “Để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, năng suất chất lượng cao, các nhà máy đường cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương, xây dựng các tổ, nhóm, hộ nông dân, HTX trong việc đầu tư thu hoạch mía. Học tập kinh nghiệm mô hình đầu tư thu hoạch mía ở HTX Long Hà (Đồng Xuân) trong 2 vụ mía vừa qua, các nhà máy cần nghiên cứu xem xét ưu khuyết điểm, từng bước xây dựng, nhân rộng mô hình này trên địa bàn”.
Thật vậy, từ lâu, HTX Long Hà đã trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân trồng mía ở huyện miền núi Đồng Xuân. Bà Trương Thị Chín ở thị trấn La Hai cho biết: “Nhờ có HTX Long Hà mà người trồng mía tụi tôi bây giờ đỡ lắm. Đầu ra ổn định, giá mía bán cao hơn so với trước nên yên tâm hơn trong việc giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu”. Cách đây 2 năm, khi HTX Long Hà chưa đứng ra bao tiêu, người trồng mía ở Đồng Xuân gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm phương tiện vận chuyển, cơ sở tiêu thụ mía sau thu hoạch nên thường phải bán mía non (chữ đường thấp) hoặc bị tư thương ép giá. Kể từ khi có HTX Long Hà, nỗi lo của người trồng mía vơi đi đáng kể vì được đơn vị đứng ra tổ chức gom mua mía với giá cao.
Để làm việc này có hiệu quả, một mặt, HTX Long Hà đã trực tiếp ký kết hợp đồng gom mua mía dài hạn với Công ty TNHH KCP Việt Nam (trụ sở tại huyện Sơn Hòa). Mặt khác, cứ vào đầu vụ, thông qua các nhà máy đường, HTX nhận đầu tư cho người trồng toàn bộ vốn, giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc để bà con yên tâm sản xuất. Đến kỳ thu hoạch, HTX đến từng hộ ký hợp đồng, lấy phiếu đốn từ nhà máy, phân cho người trồng chặt từng đám mía trưởng thành (thấp nhất là 8,5-10 chữ đường) nhằm đảm bảo cho họ được hưởng lợi nhuận cao nhất. Ngoài ra, HTX còn phối hợp với nông dân thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng suất và chất lượng mía, trong đó, quan tâm kiện toàn hệ thống thủy lợi đảm bảo nước tưới vào mùa khô, trồng thử nghiệm các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao.
Ông Lê Xuân Đức, Chủ nhiệm HTX Long Hà cho biết: “Chúng tôi đứng ra gom mua mía với mục đích vừa đem lại nguồn lợi nhuận cho HTX vừa giúp bà con ổn định đầu ra. Niên vụ mía năm 2008, HTX gom mua được hơn 400 tấn mía với giá mua tại rẫy là 450.000 đồng/tấn, chưa kể công vận chuyển”.
Đánh giá về mô hình HTX Long Hà, Chủ nhiệm Liên minh HTX Phú Yên Lê Luân cho biết: “Nhờ HTX Long Hà, công tác gom mua, cấp phiếu chặt mía, điều hành xe vận chuyển có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo thời gian quay đầu xe, vận chuyển kịp thời. Vì vậy, không còn tình trạng nông dân chặt mía để lâu ngày mới được chở đi như vụ trước. Sắp tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền mạnh về mô hình này để cho các HTX khác học tập nhằm đưa kinh tế tập thể ngày một đi lên”.
HOÀNG XUÂN