Trái ngược với quy luật “mùa tiêu dùng nóng” của thị trường cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 12/2008 đã tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp với mức 0,68% so với tháng 11, đưa chỉ số CPI tháng 12 tăng ở mức 19,89% so với tháng 12 năm 2007 và CPI bình quân cả năm 2008 tăng 22,97 % so với cùng kỳ năm 2007.
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), 3 nhóm hàng hóa chiếm trọng số lớn nhất trong rổ hàng hóa chung tiếp tục tháng thứ 3 giảm liên tiếp. Giảm kỷ lục là nhóm phương tiện đi lại và bưu điện giảm 6,77%. Tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức giảm 2,36 %. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (bao gồm lương thực, thực phẩm) giảm 0,13%, trong đó, lương thực giảm tới 2,36%.
Trong tháng 12, CPI của đầu tầu kinh tế của cả nước là thành phố Hồ Chí Minh (chiếm trọng số 20% trong CPI chung của 63 tỉnh, thành phố) tiếp tục giảm 0,42%; CPI của Hà Nội đã giảm sâu xuống 1,3% góp phần kéo lùi tốc độ tăng giá tiêu dùng chung của cả nước.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian “áp” số liệu tính CPI (từ 15/11 đến 15/12), đã có 3 lần giá xăng giảm, vào các ngày 15/11, 1/12 và 10/12, đưa giá xăng A92 từ mức 13.000 đồng xuống còn 11.000 đồng/lít. Từ ngày 24/12, giá dầu diesel cũng giảm 1.000 đồng/lít. Đây là động lực chính kéo nhóm Giao thông và phương tiện đi lại, bưu điện giảm tới 6,77% trong tháng này.
Bên cạnh đó, giá gas tháng này cũng trên đà giảm mạnh do giá nhập khẩu chất đốt này giảm sâu tại hai thị trường tiêu thụ gas lớn nhất cả nước, khoảng từ 10%-15% so với tháng trước ở hầu hết các doanh nghiệp cung ứng. Lương thực tiếp tục giảm giá được “giúp” sức từ mặt hàng rau xanh với lượng cung tăng trở lại sau trận lụt lịch sử.
7 nhóm hàng hoá còn lại trong rổ hàng hoá tuy có tăng nhưng cũng chỉ dao động với mức tăng nhẹ từ 0,17-1,01%. Tăng cao nhất là nhóm may mặc-dày dép-mũ nón; tiếp theo là nhóm đồ uống và thuốc lá. Tăng thấp nhất là nhóm giáo dục.
Theo các chuyên gia kinh tế, với CPI năm 2008 tăng ở mức 2 con số là 22,97% thì lạm phát cao vẫn đang ngự trị trong nền kinh tế. Tuy nhiên, với 3 tháng cuối năm CPI cả nước liên tiếp giảm như hiện nay, thiểu phát trong năm 2009 đã lộ rõ.
Chính vì vậy, Việt Nam đang gặp những thách thức lớn khi bước vào năm 2009 bởi việc đề ra và thực hiện một chính sách tổng thể vừa kiềm chế lạm phát lại phải phòng chống thiểu phát là việc cực kỳ khó khăn với bất cứ một nền kinh tế nào.
Theo TTXVN