Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở vùng đồng bằng mà cả vùng miền núi. Nhiều cây trồng, vật nuôi, sản phẩm từ chỗ tự phát, manh mún đã trở thành hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao.
Bò một nắng được đánh giá là một trong những sản phẩm OCOP tiềm năng của hai huyện miền núi Sơn Hòa và Sông Hinh. Ảnh: NGỌC HÂN |
Khai thác tiềm năng, thế mạnh nhiều nông sản, thời gian qua, các huyện miền núi đã và đang dần khẳng định vị trí, định danh về phát triển sản phẩm OCOP toàn tỉnh.
Khơi dậy tiềm năng
Sơn Hòa là 1 trong 3 huyện miền núi có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Toàn huyện có 26 sản phẩm OCOP; trong đó, 3 sản phẩm đạt 4 sao và 23 sản phẩm đạt 3 sao. Nhắc đến sản phẩm OCOP nổi tiếng của địa phương này, không thể không nhắc đến đặc sản bò một nắng. Nhiều sản phẩm bò một nắng dạng miếng, bò một nắng ăn liền dạng sợi, bò gác bếp, bò khô xé sợi… từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc.
Ông Đặng Xuân Thanh, chủ cơ sở sản xuất bò một nắng Thanh Tuyền (khu phố Bắc Lý, thị trấn Củng Sơn) chia sẻ: Nhờ sự trợ lực từ Chương trình OCOP, hiện cơ sở sản xuất đã xây dựng được thương hiệu với 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Bình quân mỗi ngày, cơ sở đưa ra thị trường gần 50kg sản phẩm bò một nắng mang thương hiệu Thanh Tuyền. Hiện cơ sở còn sản xuất nhiều sản phẩm đặc trưng khác như muối lá é khô, ớt xiêm khô, bột mầm đậu nành, bột gạo… đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận đạt chuẩn OCOP.
Còn tại huyện miền núi Sông Hinh, với sự quan tâm hỗ trợ tích cực của chính quyền, nhiều nông sản đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và đang được tích cực quảng bá giới thiệu, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Trao đổi về việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: “Chương trình OCOP đang lan tỏa sâu rộng trong các hộ sản xuất kinh doanh. Toàn huyện có 18 sản phẩm của 9 chủ thể được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Các sản phẩm đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như hạt mắc ca đất Phú, gà ủ muối hoa tiêu Hùng Miên, sầu riêng Sông Hinh, cam V2, cam sành, bưởi da xanh…
Để nông sản địa phương vươn xa, từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến, đóng gói đến bảo quản sản phẩm OCOP đều được các chủ thể kiểm soát chặt chẽ, có mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Nỗ lực nâng tầm nông sản OCOP
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình đã giúp phát triển sản phẩm chủ lực của từng địa phương; trong đó, khu vực miền núi có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, độc đáo có giá trị văn hóa và trở thành sản phẩm chủ lực mang lại thu nhập cho người dân.
Đồng Xuân có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nhưng trải qua gần 5 năm triển khai Chương trình OCOP, toàn huyện mới có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Theo ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, hiện địa phương tiếp tục rà soát các sản phẩm tiềm năng (bưởi da xanh, dừa xiêm, trà dung, dệt thổ cẩm…) để hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; đồng thời đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá và sẽ công nhận thêm ít nhất 5 sản phẩm OCOP vào cuối năm nay.
“Các chủ thể đã chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của Chương trình OCOP, tuy nhiên do mới tham gia nên không tránh khỏi sự thiếu sót về hồ sơ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm theo quy định. Vì vậy, các địa phương đã trực tiếp phân công cán bộ phụ trách hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tập trung cải thiện, bổ sung, đảm bảo chất lượng, hoàn thiện sản phẩm OCOP; đồng thời giúp các chủ thể đẩy mạnh công tác quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm, thị trường tiêu thụ...”, ông Huy cho biết.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho hay: Để sản phẩm đặc trưng địa phương khẳng định thương hiệu, chính quyền các cấp, hội đoàn thể trên địa bàn đã tích cực vận động, hướng dẫn người dân tham gia Chương trình OCOP, góp phần đa dạng hóa sản phẩm.
Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng, thúc đẩy sản xuất gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, góp phần nâng cao chất lượng nông thôn mới.
“Thời gian tới, các cấp, ngành sẽ phải chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng, lập hồ sơ, phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP theo quy định, trong đó có khu vực miền núi. Đồng thời tập trung tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ để các sản phẩm OCOP của khu vực này ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”, bà Thủy nhấn mạnh.
NGỌC HÂN