Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Phú Yên, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh và các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã tích cực, chủ động phối hợp xử lý, giải quyết các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Tuy nhiên, một số khó khăn, vướng mắc trong công tác này vẫn còn tồn tại, yêu cầu các bên liên quan chung tay gỡ vướng.
Số tiền thu hồi sau thi hành án đạt 27%
Tính đến 31/10/2023, Agribank Phú Yên có 148 khách hàng bị đề nghị thi hành án với tổng số tiền hơn 87 tỉ đồng, phát sinh ở tất cả các địa bàn mà Agribank đứng chân. Tổng số tiền mà đơn vị đã thu hồi sau thi hành án là hơn 38 tỉ đồng, chiếm gần 44% số tiền phải thi hành án. “Kết quả này có được là nhờ sự hỗ trợ, phối hợp của cơ quan THADS các cấp trên địa bàn tỉnh”, ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Agribank Phú Yên cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Chánh Thanh tra giám sát NHNN chi nhánh Phú Yên, quy chế phối hợp trong công tác THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng được NHNN chi nhánh Phú Yên và Cục THADS tỉnh ký kết vào năm 2017, nhằm tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị trong việc xử lý các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng ở Phú Yên.
Sau khi quy chế phối hợp được ký kết, NHNN chi nhánh Phú Yên đã thực hiện tốt công tác trao đổi, cung cấp thông tin và chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin cho cơ quan THADS về những khó khăn, vướng mắc của TCTD khi thi hành các bản án. Cục THADS tỉnh thì chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch công tác năm, trong đó chú trọng đến việc thi hành án liên quan đến các TCTD; từ đó tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động, tích cực, chủ động, quyết liệt hơn trong việc xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án.
Về phần mình, các TCTD đã chủ động phối hợp tốt với cơ quan THADS các cấp trong việc cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án, xử lý tài sản thế chấp, thông tin tài khoản, và thực hiện phong tỏa tài khoản, khấu trừ tài khoản của người phải thi hành án mở tại các TCTD khi có yêu cầu của cơ quan THADS, chấp hành viên đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, các TCTD còn chủ động phối hợp với cơ quan thi hành án cũng như phối hợp với các đơn vị có liên quan trong thi hành án và giải quyết những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn trong việc thi hành án. Tất cả đều có chuyển biến tích cực hơn so với trước khi chưa có quy chế phối hợp.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc THADS liên quan đến tín dụng ngân hàng, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài. Qua tổng hợp báo cáo từ các ngân hàng, đến 31/10/2023, trên địa bàn tỉnh còn 241 vụ việc đang thi hành án liên quan đến lĩnh vực tín dụng ngân hàng; trong đó, số tiền đề nghị thi hành án gần 377,6 tỉ đồng, số tiền đã thu hồi hơn 103,9 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 27%.
Khách hàng chây ỳ, không có thiện chí trả nợ
Tại hội nghị tổng kết quy chế phối hợp giữa NHNN chi nhánh Phú Yên và Cục THADS tỉnh được tổ chức mới đây, đại diện các đơn vị liên quan đã chia sẻ nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các vụ việc THADS liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
Ông Nguyễn Thành Bắc, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: Số việc phải thi hành cho các TCTD ở Phú Yên chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng số tiền phải thi hành án chiếm tỉ lệ lớn trong tổng thụ lý toàn tỉnh. Nhiều trường hợp người phải thi hành án thiếu hợp tác, trốn tránh, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản đã thế chấp.
Người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng thông thường đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách như thay đổi hiện trạng tài sản, không nhận quyết định thi hành án, cản trở việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án, đưa tài sản là động sản đi khỏi địa phương…
Còn theo Giám đốc Agribank Phú Yên Lê Văn Thịnh, trải qua 2 năm dịch COVID-19 cộng với tình hình bất động sản trầm lắng của năm 2023, việc xử lý tài sản là bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều tài sản thông báo rất nhiều lần nhưng không có người mua, khiến thời gian thi hành án kéo dài.
“Ngoài ra còn có nguyên nhân do khách hàng không còn tài sản để thi hành án, đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc khách hàng đã mất; khách hàng chây ỳ, không có thiện chí trả nợ, không hợp tác, đã trốn khỏi địa phương, thay đổi nơi ở và nơi làm việc, cản trở việc thi hành án; tài sản khó phát mãi…”, Chánh Thanh tra giám sát NHNN chi nhánh Phú Yên Nguyễn Hữu Nam nói.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường công tác thẩm định, xét duyệt cho vay; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khoản vay nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh. Ảnh minh họa: LÊ HẢO |
Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc xử lý, giải quyết dứt điểm, nhanh chóng các vụ việc tín dụng, ngân hàng còn tồn đọng, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài…, ông Hoàng Linh, Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên cho biết, NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD phối hợp chặt chẽ, tích cực với cơ quan THADS trong việc tiến hành rà soát các vụ việc thi hành án, cung cấp đầy đủ các thông tin và các tài liệu liên quan đến tài sản thế chấp để việc xử lý tài sản được nhanh chóng, đúng pháp luật.
Đơn vị sẽ thường xuyên tổng hợp các vướng mắc, khó khăn của các TCTD trong công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, làm việc với các đơn vị có liên quan, báo cáo UBND tỉnh để có chỉ đạo cụ thể.
NHNN chi nhánh Phú Yên cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và các quy định của pháp luật. Đồng thời chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu hiệu quả, gắn với từng khách hàng đang có nợ xấu; tăng cường công tác thẩm định, xét duyệt cho vay; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khoản vay nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh…
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục THADS tỉnh, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với NHNN chi nhánh Phú Yên trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện quy chế phối hợp trong công tác THADS. Đồng thời chỉ đạo các chi cục THADS tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các TCTD trong quá trình thi hành bản án, quyết định của tòa án về xử lý tài sản bảo đảm; rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án chưa được thi hành hoặc đang được thi hành dở dang, đẩy nhanh thi hành án các vụ án còn tồn đọng...
Đối với các TCTD trên địa bàn, giải pháp đặt ra là cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro…
LÊ HẢO