Thứ Năm, 28/11/2024 04:43 SA
Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất:
Tạo bước tăng trưởng hợp lý
Thứ Sáu, 24/10/2008 07:00 SA

Một mặt bằng lãi suất mới trên thị trường đã được thiết lập sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh lại cơ cấu lãi suất ngày 20/10. Theo các chuyên gia tài chính, đây là động thái nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; đồng thời tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại chủ động duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững.

 

gdnh-081024.jpg

Giao dịch ở chi nhánh Agribank Phú Yên  - Ảnh: Q.THUẦN

 

LÃI SUẤT CHO VAY TẠO “ĐÁY” MỚI

 

Quyết định giảm lãi suất cơ bản từ 14% xuống 13%/năm, nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lên 10%/năm của Ngân hàng Nhà nước đã tác động lớn đến thị trường tiền tệ: mặt bằng lãi suất cho vay đối với đồng Việt Nam từ đỉnh 21% xuống còn 19,5%/năm.

 

Đến ngày 23/10, theo ghi nhận của phóng viên Báo Phú Yên, hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đã thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay. Tại Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank), lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam (VND) đối với hai đối tượng khách hàng truyền thống của ngân hàng này là hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp giảm xuống còn 16,5%/năm, tương đương 1,375%/tháng, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, lãi cho vay sản xuất, xuất khẩu giảm xuống còn 16,8%/năm, tương đương 1,400%/tháng. Ông Nguyễn Ninh, Giám đốc chi nhánh Agribank tại Phú Yên, cho biết: “Thực ra, mức lãi suất dưới “trần” 19,5%/năm đã được Agribank áp dụng trước đó. Mức lãi suất này là hoàn toàn hợp lý, có lợi cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp. Hiện nguồn vốn huy động tại chỗ và bổ sung cho các chương trình tín dụng ưu đãi của ngân hàng cấp trên “rót” về rất dồi dào. Điều này cũng có nghĩa là không quá khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận vốn”.

 

Ngân hàng Đầu tư – Phát triển (BIDV) cũng đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong vòng ba tháng qua. Mức lãi suất thấp nhất của ngân hàng này là 16,2%/năm, tương đương 1,35%/tháng. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì áp dụng mức lãi suất 16,5%/năm và áp dụng mức 17,2%/năm cho tất cả các khách hàng còn lại. Tương tự, mức lãi suất cho vay ngắn hạn thấp nhất của chi nhánh Ngân hàng Công thương (Vietinbank) tại Phú Yên giảm xuống còn 17,8%/năm dành cho các doanh nghiệp có quan hệ tốt với ngân hàng. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay của khối ngân hàng thương mại quốc doanh và Vietcombank dao động ở mức 16,2% - 18,5%/năm và khối ngân hàng thương mại cổ phần 19% - 19,5%/năm, thấp hơn 1,5% - 4,8% so với đầu năm.

 

Theo các chuyên gia tài chính, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lại cơ cấu lãi suất là động thái nới lỏng tiền tệ giúp hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, có nguồn vốn dồi dào, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, giảm chi phí sử dụng vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các ngân hàng thương mại chủ động duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững.

 

DOANH NGHIỆP VẪN E DÈ

 

Nhiều doanh nghiệp ở Phú Yên tỏ ra lạc quan trước việc các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất. Ông Lê Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (TP Tuy Hòa) nói: “Suốt mấy tháng qua, dù lãi suất có giảm nhưng tính tổng chi phí đầu vào vẫn còn cao nên doanh nghiệp còn ngại vay. Bây giờ, các doanh nghiệp có thể dễ thở hơn với mức lãi suất tương đối “mềm” như thế này, nhất là vào những tháng cuối năm”. Tuy nhiên, tại quầy giao dịch Agribank TP Tuy Hòa, ông Lê Hoàng Phương, Chủ DNTN Hùng Vinh, lại tỏ ra hoài nghi: “Với mức lãi suất 1,4%/tháng vẫn còn cao hơn một chút so với năm 2007, nhưng đã giảm nhiều so với đỉnh điểm những tháng đầu năm 2008. Vấn đề ở đây là các ngân hàng thương mại có đồng loạt áp dụng mức lãi suất thấp rộng rãi đối với nhiều đối tượng khách hàng và điều kiện vay có được nới ra hay không. Bởi suy cho cùng, giảm lãi suất là để hỗ trợ các thành phần kinh tế tháo gỡ khó khăn chứ không phải để… xem. Tôi thấy lãi suất đã giảm nhưng để doanh nghiệp Phú Yên tính toán vay được vốn chỉ ở khối ngân hàng thương mại quốc doanh”.

 

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại Phú Yên, việc giảm lãi suất cho vay là tất yếu, trong ngắn hạn sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển, nhưng trong dài hạn nếu không kiểm soát chặt sẽ xảy ra hiện tượng tín dụng phát triển nóng, nợ xấu xuất hiện. Nhiều ý kiến khác cho rằng các doanh nghiệp không nên trông chờ quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp cho doanh nghiệp cảm thấy nhẹ hơn một chút và mỗi ngân hàng tự cân đối cơ cấu lãi suất, nguồn vốn để tránh rủi ro. Tuy nhiên, việc giảm mạnh lãi suất huy động là điều khó khăn, nó không nằm trong tầm tay của các ngân hàng thương mại mà phụ thuộc vào thị trường. Đối với các ngân hàng thương mại lớn, có nguồn vốn huy động dồi dào, ổn định thì việc giảm lãi suất huy động là có thể. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng thương mại nhỏ, giảm lãi suất huy động là việc làm mạo hiểm vì dễ mất khách và khó huy động được vốn, đe dọa tính thanh khoản. Do vậy, doanh nghiệp nên tìm các nguồn vốn dài hạn, chứ không đơn thuần trông chờ vào nguồn vốn ngắn hạn từ ngân hàng. Ngoài ra, vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại lúc này là liệu ngân hàng có dễ giải ngân vốn và tăng hạn mức cho vay khi còn vướng “bức tường” tăng trưởng tín dụng 30%. Hơn nữa, còn phụ thuộc nhiều yếu tố từ phía các doanh nghiệp như tài sản đảm bảo vốn vay, mối quan hệ tín dụng… nên không biết có bao nhiêu phần trăm cơ hội để doanh nghiệp vay được vốn với lãi suất ưu đãi.

 

NGUYỄN QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek